(Chinhphu.vn) - Các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC làm tiền đề cho việc thay đổi thể chế, cách thức hành xử với hoạt động đầu tư-kinh doanh của DN cũng như đẩy mạnh việc nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức Nhà nước; giúp cho việc phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc của DN được rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ.
Thủ tục hành chính (TTHC) hiện nay vẫn luôn là rào cản đối với hoạt động tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Do vậy, các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC làm tiền đề cho việc thay đổi thể chế, các thức hành xử với hoạt động đầu tư-kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh việc nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức Nhà nước; giúp cho việc phân công, phân cấp thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc của doanh nghiệp được rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ.
Từ thủ tục khai sinh doanh nghiệp…
Thủ tục khai sinh ra doanh nghiệp, chính là đăng ký doanh nghiệp, vẫn còn bất cập liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điển hình là ngành nghề đăng ký kinh doanh, con dấu và người đại diện theo pháp luật.
Quy định của pháp luật hiện nay tuy đã được cải thiện hơn so với trước đây về quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh (cụ thể Điều 1
Nghị định 05/2013/NĐ- CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 43/2010/NĐ- CP), nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải giải quyết.
Người dân có quyền đăng ký những ngành, nghề, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Người thành lập doanh nghiệp chủ động ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, còn việc xếp ngành nghề kinh doanh đã đăng ký theo phân loại là việc làm của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hiện nay, quy định về việc ghi và mã hóa ngành nghề khi đăng ký kinh doanh vẫn chưa được thống nhất, còn nhiều quan điểm khác nhau. Không nên quy định chỉ ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong Giấy chứng nhận kinh doanh mà vẫn phải giữ nguyên quy định ghi tất cả ngành nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như hiện nay.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới đây cho phép doanh nghiệp có hơn một người đại diện theo pháp luật.
Theo ý kiến của cá nhân người viết thì quy định này không hợp lý.
Việc quy định có hơn 1 người đại diện, đó chỉ thể hiện phân cấp, phân quyền theo chiều ngang mà lại không có sự phân cấp, phân quyền theo chiều dọc. Doanh nghiệp có nhiều cán bộ quản lý từng lĩnh vực khác nhau nhưng tất cả đều phải thống nhất. Việc phân định rõ quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của từng người đại diện theo pháp luật sẽ vô hình trở thành việc phân chia ranh giới, lãnh thổ, có thể sẽ là cầu nối cho việc chia bè cánh trong doanh nghiệp, không có sự gắn bó thống nhất quy tụ về một mối, mặc dù họ đều sử dụng một con dấu chung của công ty.
Như chúng ta đã biết, tổ chức, quản lý và hoạt động trong một doanh nghiệp đều phải có mối liên hệ với nhau, cho nên nếu để doanh nghiệp xảy ra tình trạng chia bè cánh thì hoạt động này sẽ cản trở hoạt động kia làm cho doanh nghiệp không phát triển được.
Còn đối với vấn đề con dấu, thực tế đã xảy ra tranh chấp con dấu của doanh nghiệp trong nội bộ doanh nghiệp và đã có trường hợp bị cơ quan công an khởi tố về tội danh chiếm đoạt trái phép con dấu.
Theo Điều 36
Luật Doanh nghiệp 2005 thì con dấu là tài sản của doanh nghiệp và trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai.
Con dấu của doanh nghiệp chỉ là một dấu hiệu nhận dạng doanh nghiệp để phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác; nhưng lâu nay người ta vẫn lầm lẫn cho nó là một biểu hiện pháp lý của doanh nghiệp.
Thực tế là con dấu chỉ có tính xác thực chứ không có ý nghĩa pháp lý. Con dấu rất dễ bị làm giả và xét về tính xác thực thì nó là loại xác thực kém nhất nếu so với chữ ký, vân tay, con ngươi, ADN.
Do vậy, không nên bắt buộc doanh nghiệp phải có dấu mà nên quy định doanh nghiệp có thể có con dấu hoặc không, nếu doanh nghiệp nào muốn có dấu thì có thể tự quy định đặc điểm dấu của mình và đăng ký bảo vệ con dấu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đơn cử 1 tình huống: Khoảng năm 2001, một công ty ở tỉnh H, do có nhu cầu đổi mới công nghệ sản xuất nên cử một số cán bộ chuyên môn sang Nhật để tìm hiểu và mua dây chuyền sản xuất mới để tăng năng suất lao động. Ở Nhật, công ty này đã tìm được đối tác có dây chuyền sản xuất hiện đại. Khi hai bên ký kết hợp đồng liên doanh thì một sự kiện bất ngờ xảy ra liên quan đến con dấu của phía Nhật. Bên Việt Nam đã ký tên, đóng dấu theo đúng với quy định của pháp luật, dấu tròn 36 ly mực đỏ do cơ quan công an cấp. Nhưng phía Nhật Bản lại không đóng dấu tròn 36 ly giống như phía Việt Nam mà con dấu của họ cũng tròn nhưng nhỏ hơn 36 ly rất nhiều, mực dấu lại là mầu tím than.
Khi hợp đồng được mang đến cơ quan Nhà nước Việt Nam chứng thực, rắc rối đã xảy ra. Cán bộ Nhà nước Việt Nam quá ngỡ ngàng khi thấy con dấu của công ty Nhật không phải là mực đỏ, không phải hình tròn 36 ly như Việt Nam mà chỉ nhỏ như đầu ngón tay, hoa văn loằng ngoằng. Mặc dù phía Nhật giải thích rõ cho cán bộ cơ quan Nhà nước Việt Nam biết rằng dấu của họ do họ tự nghĩ ra, hình thù, màu sắc, mực in ra sao là do họ tự quyết định và dấu này chỉ có ý nghĩa phân biệt công ty họ với công ty khác, chính quyền Nhật không can thiệp vào chuyện này. Nhưng cán bộ của Việt Nam vẫn sợ không dám đóng dấu chứng thực hợp đồng và yêu cầu công ty Nhật Bản phải đến cơ quan Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam xin xác nhận con dấu. Đại sứ quán Nhật Bản trả lời là họ không thể thực hiện được việc này. Thế là công ty Nhật Bản lại được yêu cầu xin giấy xác nhận con dấu của chính quyền Nhật Bản. Phía Nhật Bản thấy vậy liền chấm dứt hợp đồng liên doanh với phía Việt Nam vì họ nghĩ có mỗi chuyện con dấu mà còn rắc rối thế thì sau này làm ăn ở đây chắc là gặp rất nhiều khó khăn.
Rút cuộc, chỉ vì chuyện con dấu mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt hại.
|
Đến chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Pháp luật doanh nghiệp hiện nay cho phép doanh nghiệp tư nhân được chuyển đổi sang công ty TNHH có từ 2 thành viên trở lên nhưng lại không cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty cổ phần thì lại chưa thực sự thể hiện tính hợp lý.
Nếu đã cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty TNHH có từ 2 thành viên trở lên, thì cũng nên cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi sang thành công ty cổ phần nếu họ đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Không hiểu sao Luật Doanh nghiệp 2005 và Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hiện nay không quy định cho phép chuyển từ doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần? Khó khăn khi chuyển đổi hai loại hình này là gì? Vấn đề này cần được được đưa ra thảo luận.
Quy định như hiện nay thì doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển thành công ty cổ phần thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên trước đó hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân rồi sau đó thành lập công ty cổ phần mới.
Việc quy định chuyển đổi bằng con đường vòng mà không phải trực tiếp làm cho doanh nghiệp tốn nhiều thời gian và gặp nhiều thủ tục hành chính rườm rà. Thay đổi điều đó sẽ tiết kiệm được cho nhà đầu tư thời gian, chi phí và công sức.
... và việc rút khỏi thị trường
Thực tế nhiều doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp gặp rất nhiều vướng mắc chứ không đơn giản như quy định của Luật Doanh nghiệp 2005; có những doanh nghiệp phải lên xuống Chi cục Thuế nhiều tháng mà vẫn chưa xong việc nên phải nhờ công ty chuyên thực hiện dịch vụ, thậm chí nhiều doanh nghiệp sau một thời gian vẫn không thực hiện xong thủ tục giải thể doanh nghiệp đã không làm gì nữa, để mặc cho doanh nghiệp “chết” mà không được cấp “giấy báo tử”.
Do đó, con số thống kê tình hình doanh nghiệp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh không thống nhất. Trên giấy tờ quản lý của cơ quan cấp phép thì doanh nghiệp vẫn tồn tại, nhưng quản lý của cơ quan thuế thì doanh nghiệp không nộp báo cáo thuế, không có mặt tại điểm đăng ký kinh doanh, đi đâu, làm gì không rõ.
Những doanh nghiệp ngưng hoạt động có thể lợi dụng con dấu, giấy phép kinh doanh, mã số thuế để tạo hóa đơn giao dịch bất hợp pháp. Điều này càng làm cho thị trường trở nên hỗn loạn, công tác quản lý Nhà nước trở lên khó khăn hơn.
Do vậy, cần quy định hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiến hành thủ tục giải thể nhanh chóng, đăng báo công khai, thu hồi con dấu thì sẽ hạn chế được những vi phạm phát sinh và cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các cơ quan có liên quan trong thủ tục giải thể, tạo thuận tiện cho doanh nghiệp được “chết” một cách hợp pháp.
Việc rút khỏi thị trường bằng thủ tục phá sản doanh nghiệp theo
Luật Phá sản 2004 cũng rất nhiều vướng mắc. Trong thực tiễn, việc giải quyết các yêu cầu tuyên bố phá sản thường kéo dài rất lâu, nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, thậm chí đã có doanh nghiệp dù đã làm thủ tục phá sản với tòa án nhưng qua 7 năm, tòa án vẫn chưa làm xong thủ tục cần thiết để tuyên doanh nghiệp phá sản.
Thực tế trên đang đòi hỏi Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật cũng như công tác thực thi pháp luật về phá sản doanh nghiệp, để những doanh nghiệp không còn đủ sức tiếp tục kinh doanh nữa có thể được “giải thoát” một cách nhanh chóng, thuận tiện hơn nữa. Và cần quy định bổ sung một loại hình phá sản rút gọn dành cho các doanh nghiệp cần phá sản ngay, sau khi khẳng định đủ điều kiện phá sản mà không phải trải qua các bước theo trình tự thủ tục quy định trong Luật Phá sản hiện hành.
Luật gia Cao Bá Khoát
Người đăng: T.An