(Chinhphu.vn) - Mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012…”. Kết quả thực hiện trong tháng khởi đầu ra sao và đặt ra những vấn đề gì?
Trước hết, cần điểm qua tốc độ tăng, giảm một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tháng 1 năm nay so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cần lưu ý, Tết Nguyên đán năm nay đến muộn hơn năm trước nên số ngày làm việc trong tháng 1 năm nay nhiều hơn tháng 1 năm trước, do đó tốc độ tăng của nhiều chỉ tiêu thường cao hơn, riêng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lại không tăng cao.
|
Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Về ổn định kinh tế vĩ mô, kết quả tích cực và cũng là tín hiệu khả quan nhất là xuất siêu. Mặc dù mức xuất siêu trong tháng 1 năm nay không lớn (ước đạt 200 triệu USD), nhưng được coi là kết quả tích cực và là tín hiệu khả quan khi xét dưới góc độ khác nhau.
(1) Đây là sự tiếp tục đà xuất siêu của năm 2012 (số liệu mới nhất về mức xuất siêu năm 2012 là 780 triệu USD, cao hơn mức 284 triệu USD theo ước tính trước đây). (2) Đạt được vào tháng trước Tết cổ truyền của Dân tộc – là tháng có nhu cầu cao hơn nhiều so với các tháng khác trong năm, nên việc xuất siêu trên càng có ý nghĩa. (3) Chủ trương “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt kết quả rõ rệt hơn, ngay cả vào thời gian chuẩn bị mừng Xuân mới. (4) Việc xuất siêu ngay từ tháng khởi đầu là tín hiệu khả quan để thực hiện vượt mức kế hoạch để ra (xuất khẩu tăng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8%).
Nguyên nhân quan trọng của xuất siêu là do so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu đã tăng cao hơn nhập khẩu (43,2% so với 42,3%). Xuất khẩu nông, lâm- thuỷ sản ước đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng gần 40%. Các mặt hàng ngoài nông, lâm- thuỷ sản chiếm trên 75% tổng kim ngạch của cả nước còn tăng với tốc độ cao hơn của nhóm ngành nông, lâm- thuỷ sản và của cả nước (khoảng 45%).
Một kết quả tích cực khác trong ổn định kinh tế vĩ mô là đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng so với cùng kỳ năm trước cả về lượng vốn đăng ký (tổng lượng vốn đăng ký đạt 281,4 triệu USD, tăng 74%, trong đó vốn đăng ký của các dự án mới ước đạt 257,1 triệu USD, tăng 293,6%), cả về lượng vốn thực hiện (420 triệu USD, tăng 5%). Lượng kiều hối về nhiều hơn vào tháng cận Tết… Đây là tiền đề quan trọng để ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ tồn đọng trong dân cư, doanh nghiệp, giảm tình trạng đô la hoá, vừa tăng dự trữ ngoại hối mà vẫn ổn định được tỷ giá- một bài học thành công quan trọng của năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính theo giá thực tế tăng 8,1%, nếu loại trừ tốc độ tăng giá tiêu dùng (7,07%), thì về lượng chỉ tăng chưa đến 1%. Ngoài nguyên nhân Tết Nguyên đán đến muộn hơn năm trước, còn có nguyên nhân do sự “co lại” của tiêu dùng. Cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường.
Một tín hiệu khả quan là giá vàng tháng 1 giảm 1,73% và chênh lệch giữa giá vàng trên thị trường trong nước với giá vàng trên thị trường thế giới bước đầu được thu hẹp; giá USD tiếp tục giảm (giảm nhẹ 0,08% so với tháng 12/2012 và giảm khá 1,09% so với tháng 1/2012). Đây là một thời cơ để tăng dự trữ ngoại hối (bao gồm cả ngoại tệ và vàng).
Tăng trưởng kinh tế có tín hiệu tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 21,1%. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1 năm nay đã có 3,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới… Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố thời gian nghỉ Tết Nguyên đán (năm trước vào ngày 23/1, năm nay vào ngày 10/2), thì tốc độ tăng đó vẫn còn thấp.
Tỷ số tồn kho còn cao (1/1/2013 tăng 21,5% so với cùng thời điểm năm trước; tỷ lệ giá trị hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến 2012 là 6,9%); ngành công nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc “thoát đáy vượt dốc đi lên”. Đây là một cảnh báo cần thiết vì công nghiệp đã 2 năm liền (nếu tính trong 5 năm qua thì đã có 3 năm) tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế; trong khi GDP do công nghiệp- xây dựng tạo ra chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước.
Thực hiện vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, nhưng việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư trong nước đầu năm còn chậm
Tuy nhiên, đằng sau xuất siêu cần nhận diện một nguyên nhân quan trọng là do nhập khẩu vào đầu năm thường chậm; tiêu dùng của một bộ phận dân cư tiếp tục “co lại” với tâm lý “tích cốc phòng cơ”. Đây chính là vấn đề cần quan tâm, bởi nhập khẩu nhiên liệu vật liệu lại là đầu vào của chu kỳ sản xuất, nên nhập khẩu tăng thấp so với xuất khẩu sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Theo dự đoán của người viết, giá nhập khẩu có xu hướng cao lên, trong khi tỷ giá còn đang thấp, các doanh nghiệp có thể tranh thủ nhập khẩu.
Việc cân đối ngân sách năm 2012 rất khó khăn do nhiều khoản thu được cắt, giảm, giãn; thu từ nhập khẩu giảm,… nhưng do sự nỗ lực trong những ngày cuối cùng, nên năm 2012 vẫn vượt dự toán và tăng so với năm trước; bội chi ngân sách/GDP vẫn đạt tỷ lệ theo dự toán do Quốc hội giao. Việc cân đối ngân sách năm nay vẫn còn nhiều khó khăn (tháng 1/2013, tỷ lệ so với dự toán cả năm của tổng thu mới đạt 3,1%, của tổng chi mới đạt 3,5%, nhưng tỷ lệ của tổng chi cao hơn của tổng thu sẽ tạo sức ép tăng tỷ lệ bội chi so với dự toán đã được Quốc hội duyệt). Đây là một cảnh báo cần thiết. Vấn đề đặt ra là phải tăng hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí để có giá trị gia tăng cao; làm tốt công tác hành thu, tăng cường công tác kiểm tra để hạn chế thất thu do trốn lậu thuế, chuyển giá, đẩy mạnh tiết kiệm chi ngân sách,…
Về lạm phát, trong tháng khởi đầu, CPI đã tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng rất cao (khi một số địa phương đã tăng vào tháng cận Tết là không đúng lúc); do giá thực phẩm tăng cao khi đàn gia súc, gia cầm bị giảm, khi thời tiết diễn biến thất thường làm cho rau, hoa quả tăng giá mạnh. Cần phát huy bài học kinh nghiệm là phải kiên định, nhất quán với mục tiêu kiểm chế lạm phát và điều hành lạm phát chủ động theo mục tiêu; cẩn trọng và phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thực hiện lộ trình giá thị trường; tăng lượng hàng bình ổn giá; đẩy mạnh tiết kiệm trong chi tiêu vào dịp tết, lễ hội; làm tốt công tác thông tin, dự báo diễn biến cung – cầu, những mặt hàng thiết yếu, diễn biến quan hệ tiền hàng cả ở trong nước và quốc tế,…
Minh Ngọc