Thực tế xã hội hóa dịch vụ cảng hàng không ở Australia cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế giám sát cụ thể nhằm bảo đảm cho các bên tham gia có sự cạnh tranh công bằng, minh bạch nhất
Ảnh: Lê Tiên
Giải pháp huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, nhằm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước cũng như khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của quốc gia nói chung (từ đường bộ, đường sắt, đến cảng biển, năng lượng...) đồng thời với phát triển các loại hình dịch vụ của hệ thống hạ tầng này nói riêng.
Dẫn chứng từ kinh nghiệm của các nước như Anh, Australia, New Zealand… trong xã hội hóa cung cấp các loại hình dịch vụ cảng biển, cảng hàng không và năng lượng, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, công tác xã hội hóa các loại hình dịch vụ cảng biển, cảng hàng không và năng lượng đã được triển khai mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao tại nhiều quốc gia. Khi có thị trường cạnh tranh với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp thì cùng với đầu tư tăng, chất lượng các loại hình dịch vụ cũng tăng lên, từ đó thúc đẩy phát triển các ngành nghề khác. Từ kinh nghiệm của các quốc gia, Chính phủ Việt Nam chủ trương khuyến khích xã hội hóa cung cấp dịch vụ công, trong đó có dịch vụ cảng biển, cảng hàng không và năng lượng nhằm mang lại hiệu quả dịch vụ tốt nhất cho người dân.
Đánh giá cao chủ trương xã hội hóa cung cấp dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, năng lượng, tuy nhiên, tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, xã hội hóa cung cấp dịch vụ cảng biển, cảng hàng không và năng lượng là vấn đề còn mới ở Việt Nam. Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương băn khoăn: “Xã hội hóa hay thương mại hóa dịch vụ công khó đạt mục tiêu nếu không có sự cạnh tranh, công bằng ngay từ đầu”.
Giải đáp quan ngại trên, chia sẻ kinh nghiệm của Australia đối với xã hội hóa dịch vụ công, TS. Warren Mundy thuộc Ủy ban Năng suất Australia, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Bluestone Consulting cho biết: Xã hội hóa dịch vụ công là một trong những giải pháp huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân khi ngân sách nhà nước không thể “kham” được tất cả các lĩnh vực. Khi thực hiện xã hội hóa dịch vụ cảng hàng không ở Australia, cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế giám sát cụ thể thông qua các quy định chặt chẽ tại Luật Đấu thầu và Luật Cạnh tranh. Việc áp dụng các quy định này bảo đảm cho các bên tham gia có sự cạnh tranh công bằng, minh bạch nhất. Chẳng hạn như áp dụng đấu thầu để nhượng quyền khai thác dịch vụ sân bay, dịch vụ cảng biển…
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, hiện nay, xã hội hóa dịch vụ kết cấu hạ tầng vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, bởi đây là vấn đề mới, hơn nữa chúng ta cũng chưa có những thể chế đầy đủ cho vấn đề này. Đơn cử như việc chúng ta muốn nhượng quyền khai thác các cảng hàng không, song định giá ra sao để thể hiện rằng quá trình chuyển nhượng được thực hiện một cách công bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, chúng ta chưa quen với cơ chế thị trường khi đâu đó còn tư tưởng sợ doanh nghiệp tư nhân, sợ đầu tư của nước ngoài. Đặc biệt, tại nước ta các sân bay đều là sân bay lưỡng dụng (vừa có chức năng sân bay dân sự nhưng cũng có chức năng quân sự) thì vấn đề an ninh, quốc phòng, an ninh quốc gia sẽ xử lý như thế nào, đây cũng là một trong những đặc điểm khác giữa nước ta so với các nước khác.
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho biết, Việt Nam có hệ thống cảng hàng không được phát triển kinh doanh trên cơ sở cảng hàng không quân sự. Trong 21 cảng hàng không mới chỉ có 1 cảng hàng không dân dụng do doanh nghiệp đầu tư. Vì vậy, việc xã hội hóa đầu tư cảng hàng không Việt Nam hiện nay đang rất được quan tâm.
Đảm bảo tính liêm chính trong hoạt động xã hội hóa
Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động xã hội hóa đối với dịch vụ hàng không ở Australia, TS. Warren Mundy lưu ý, khi tư nhân hóa, các doanh nghiệp cần phải thực sự cẩn trọng để đảm bảo hoạt động đầu tư của mình có khả năng sinh lời một cách hợp lý và cung cấp các dịch vụ mới.
Bên cạnh đó, nhằm ngăn ngừa những vấn đề có thể xảy ra để tránh độc quyền khai thác dịch vụ cảng hàng không, TS. Warren Mundy khuyến nghị: “Trong thiết kế thị trường xã hội hóa dịch vụ cảng hàng không, Chính phủ phải đưa ra các biện pháp ngăn ngừa những trường hợp sở hữu không mong muốn cả về chiều ngang và theo chiều dọc, cũng như làm thế nào để khuyến khích các nhà cung ứng tham gia và cạnh tranh”.
Theo TS. Warren Mundy, trong quá trình tư nhân hóa các sân bay ở Australia như Sydney, Melbourne, Brisbane… thì Chính phủ vẫn giữ quyền kiểm soát đối với các hạng mục cảng hàng không. Một ví dụ điển hình mà TS. Warren Mundy dẫn chứng là tháng 7/1997, Chính phủ Australia đã bán lại sân bay Brisbane và Melbourne cho tư nhân thông qua đấu giá thương mại, đến giữa năm 2000, Chính phủ tiếp tục bán đấu giá sân bay Sydney. “Cấu trúc căn bản nhất của quá trình này là Chính phủ giao quyền vận hành sân bay cho doanh nghiệp tư nhân cùng toàn bộ tài sản của sân bay dưới hình thức cho thuê dài hạn, trong 49 năm, lựa chọn việc gia hạn 50 năm, thanh toán một lần thông qua một bản hợp đồng. Với bản hợp đồng ký kết, chủ sở hữu mới chịu trách nhiệm vận hành, phát triển toàn bộ sân bay mà không có sự hỗ trợ của Chính phủ cùng các chi phí khác. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn nắm quyền kiểm soát không lưu và cứu hỏa thông qua một doanh nghiệp nhà nước được giao”, TS. Warren Mundy khẳng định và cho biết: “Tính liêm chính của từng công đoạn trong quá trình giao dịch được cơ quan kiểm toán thực hiện. Sau thời hạn hợp đồng, doanh nghiệp tư nhân sẽ bàn giao lại tài sản cho nhà nước. Sau khi các sân bay của Australia được tư nhân hóa, số lượng hành khách qua các sân bay này đều tăng hàng năm và số tiền đầu tư cũng tăng cao”.
Trung Hiếu
Người đăng: T.An