|
Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Hôm nay (18/12), tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo ưu tiên nghiên cứu phục vụ tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, chuyên gia và nhà khoa học hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Trong vòng 5 năm qua, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đã tăng hơn 2 lần, từ 6 triệu m3 năm 2009 lên khoảng 16 triệu m3 trong năm nay.
Khai thác gỗ rừng trồng tự nhiên được quản lý chặt chẽ theo hướng bền vững. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng khoảng 1,5 lần trong vòng 3 năm qua, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 5,7 tỷ USD năm 2013, và năm nay ước đạt 6,2 tỷ USD...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất lâm nghiệp còn nhiều tồn tại và hạn chế như: Giá trị, năng suất trên 1 ha rừng trồng còn thấp; chất lượng và khả năng cạnh tranh chưa cao; Tăng trưởng của ngành và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các lâm trường, công ty lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng… Lâm nghiệp là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, vừa góp phần phát triển kinh tế vừa ổn định chính trị-xã hội, vì vậy mục tiêu ưu tiên nghiên cứu phải sát với thực tế.
Theo ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Luật Khoa học và Công nghệ được Quốc hội thông qua năm 2013 và Nghị định 08 của Chính phủ hướng dẫn thực thi Luật có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nghiên cứu với nhiều giải pháp mới, phục vụ thiết thực tái cơ cấu lâm nghiệp.
Một số ý kiến cho rằng, cùng với việc đổi mới chính sách và thể chế trong lâm nghiệp để tạo mối liên kết, mục tiêu nghiên cứu áp dụng khoa học cần ưu tiên vào công nghiệp rừng và chế biến lâm sản. Trong đó, liên kết các hộ trồng rừng hướng đến nâng cao chuỗi giá trị trong chuỗi sản xuất từ sản phẩm gỗ nguyên liệu, công nghiệp chế biến đến khâu tiêu thụ…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, khoa học và công nghệ cũng như các nghiên cứu được áp dụng vào lĩnh vực lâm nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp. Mục tiêu đặt ra là phải nâng cao chuỗi giá trị của hàng hóa lâm sản thông qua nâng cao năng suất và đảm bảo thị trường đầu ra tiêu thụ các mặt hàng lâm sản. Để làm được điều này thì các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ khoa học đóng vai trò rất quan trọng.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích: “Sản phẩm lâm nghiệp có chu kỳ dài, công tác nghiên cứu khoa học cũng phải đầu tư nhiều thời gian, để tạo ra 1 giống mới trong nước phải mất hàng chục năm, do vậy chúng ta phải tranh thủ tận dụng thành tựu khoa học của quốc tế để nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng vào Việt Nam. Đồng thời, phải nhanh chóng chuyển giao khoa học vào sản xuất đối với những tổ chức, cơ sở sản xuất chế biến, và có những giải pháp ưu tiên để những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị và ứng dụng ngay”.
Đỗ Hương
Người đăng: T.AN