• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Xây dựng tầm nhìn dài hạn, tránh “bẫy” thu nhập trung bình 

(Chinhphu.vn) - Như một nước đang phát triển tại châu Á, Việt Nam không phải là ngoại lệ trước "bẫy" thu nhập trung bình. Nhưng Việt Nam có thể thoát ra nếu sớm có các giải pháp và quyết tâm mạnh mẽ.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ năm 2008 đến nay, kinh tế Việt Nam có xu hướng chậm lại. Chất lượng tăng trưởng và nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu; phân bổ nguồn lực chưa hợp lý; tư duy quản lý còn chậm đổi mới. Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh nên cần có thêm động lực mới.
 
Nhận diện
 
Tại hội thảo “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI-nội địa” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức ngày 26/3 ở  Hà Nội, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Rajat Nag cho rằng tất cả các nước đang phát triển tại châu Á có mức thu nhập trung bình (TNTB) đều rất dễ rơi vào “bẫy” TNTB, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nhưng Việt Nam có thể thoát ra nếu sớm có các giải pháp và quyết tâm mạnh mẽ.
Có 2 điểm để khẳng định Việt Nam chưa rơi vào “bẫy” TNTB, một là, Việt Nam mới gia nhập nước phát triển trung bình từ năm 2008, trong khi theo cách tính của Ngân hàng Thế giới (WB), thì một nước chỉ bị coi là rơi vào “bẫy” TNTB khi “mắc kẹt” tới khoảng vài thập kỷ ở mức TNTB. Hai là, hiện nay, Việt Nam đang chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng chậm lại để đẩy mạnh tái cấu trúc, chuyển đổi phương thức phát triển từ bề rộng sang bề sâu, đảm bảo ổn định vĩ mô và nhờ đó sẽ phát triển nhanh hơn trong trung hạn, tạo đà vượt thoát  “bẫy” TNTB…
Chính phủ Việt Nam đã nhận ra thách thức này và ngay từ đầu năm 2011 đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020. Chiến lược của Việt Nam đúng hướng khi đặt quyết tâm tái cơ cấu các DNNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, coi trọng mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng.
Trong khi đó, tại buổi ra mắt Sách Xanh Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/6/2013 ở Hà Nội, ông Franz Jessen, Đại sứ EU tại Việt Nam cho biết, mặc dù tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong những năm gần đây do tác động bởi yếu tố khách quan và chủ quan ngắn hạn, Việt Nam chưa rơi vào “bẫy” TNTB. Tốc độ tăng GDP vẫn ở mức trên 5% và Việt Nam vẫn còn sức cạnh tranh trong một số ngành công nghiệp xuất khẩu (như: giày dép, dệt may, điện tử, đồ gỗ nội thất, nông nghiệp (cà phê, chè, các loại hạt, sản phẩm thủy sản)…
Tuy nhiên, ông Franz Jessen nhấn mạnh Việt Nam cần phải hành động ngay và xây dựng một tầm nhìn dài hạn để có thể loại trừ sự chậm phát triển, gây bất ổn kinh tế. Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (trong đó có EU) sẽ giúp cải thiện thương mại, tạo thêm nhiều việc làm. Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thể chế chính sách để tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh, cạnh tranh với mọi thành phần kinh tế.
 
Để tránh rủi ro
 
Thực tế cho thấy, để chủ động ứng phó với rủi ro rơi vào “bẫy” TNTB, Việt Nam ngày càng quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung vào tạo đột phá toàn diện về thể chế và phát triển nền tảng văn hóa, giáo dục tiên tiến.
Chủ động hội nhập quốc tế, tạo lập nhanh hơn những trụ cột kinh tế tri thức, kích thích khu vực tư nhân tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, xóa bỏ tình trạng độc quyền và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.
Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích; cải cách toàn diện DNNN và nâng cao năng lực quản trị DN; quy hoạch lại định hướng công nghiệp và phát triển tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất theo từng chuỗi ngành, sản phẩm chủ lực; ưu tiên phát triển công nghiệp thông tin, công nghiệp phụ trợ và tham gia ngày càng vững chắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giảm mạnh và tiến tới dừng hẳn việc xuất thô tài nguyên, khoáng sản; đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn; khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp.
Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững. Thu hút mạnh DN đầu tư vào địa bàn nông thôn; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động để chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn…
Nhận diện và chủ động ứng phó hiệu quả với “bẫy” TNTB cũng là quá trình khẳng định quyết tâm của Việt Nam vượt qua thách thức, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng và cơ hội trong hội nhập quốc tế.
 
 
 
 
 
TS Nguyễn Minh Phong
Nguồn: chinhphu.vn
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)