Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/5/2015, cả nước có 592 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 2,95 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Bên cạnh đó, còn có 210 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,34 tỷ USD, bằng 72,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, tính chung trong 5 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,29 tỷ USD, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2014.
Ảnh minh họa
Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn được xem là nguyên nhân cơ bản khiến vốn FDI vào Việt Nam trong 5 tháng qua tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong những tháng đầu năm, lớn nhất vẫn là dự án của Hyosung ở Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD.
Ngoài dự án của Worldon ở TP.HCM, thì dự án Điện gió Trà Vinh 1 tại Trà Vinh, vốn đầu tư 120 triệu USD của nhà đầu tư Hàn Quốc cũng rất đáng chú ý.
Bên cạnh đó, còn Dự án KMW Việt Nam, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, đã khởi công xây dựng cách đây ít ngày.
Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng suy giảm của vốn đăng ký mới, vốn FDI giải ngân tiếp tục xu hướng tích cực.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2015, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,95 tỷ USD, tăng 7,6% với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, trong 5 tháng qua, vốn FDI giải ngân đã cao hơn vốn đăng ký mới. Đây là tín hiệu tích cực, bởi xét đến cùng, vốn giải ngân mới là con số phản ánh đúng nhất thực tế dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Liên quan đến xu hướng này, việc Samsung mới khởi công dự án 1,4 tỷ USD ở TP.HCM hôm 19/5 được dự báo tiếp tục tác động tích cực đến vốn FDI giải ngân trong những tháng cuối năm.
Theo tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,1 tỷ USD, chiếm 25,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.
BritishVirginIslands đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 663,24 triệu USD chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Thổ Nhĩ Kỳ đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 660,2 triệu USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư.
Nhật Bản đứng vị trí thứ 4 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 431,7 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.
Nguyên Đức
Người đăng: T.An