Để sử dụng hiệu quả từng đồng vốn nhà nước trong đầu tư, mua sắm công, theo nhiều chuyên gia, Chính phủ cần phải quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện hợp đồng. Sáng kiến Hợp đồng công khai (OC) được cho là một phương tiện hỗ trợ quản lý hợp đồng công hiệu quả, tạo điều kiện cho các nhà thầu trong cùng lĩnh vực có thể “giám sát chéo” lẫn nhau.
Ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm hơn 4.000 tỷ đồng nếu hợp đồng trong đấu thầu được thực hiện công khai
Ảnh: Tất Tiên
Đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình hằng năm, ước tính các chính phủ trên thế giới sử dụng khoảng 9.500 tỷ USD thông qua các hợp đồng công. Còn ở Việt Nam trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm, vốn nhà nước sử dụng thông qua công tác đấu thầu vào khoảng 410.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc khó tiếp cận, theo dõi và giám sát các thông tin về thực hiện hợp đồng là thực trạng chung, diễn ra ở nhiều nước. Điều này dẫn đến việc quản lý hợp đồng kém hiệu quả, dễ gây thất thoát, lãng phí, cũng như tạo kẽ hở để nảy sinh tham nhũng trong quá trình thực hiện.
Theo thống kê của WB, việc công khai các thông tin trong quá trình thực hiện hợp đồng có thể nâng cao hiệu quả quản lý hợp đồng, giúp tiết kiệm được khoảng 1% trong tổng giá trị của 9.500 tỷ USD nêu trên mỗi năm trên toàn thế giới. Với giả định mức tiết kiệm này được áp dụng tại Việt Nam, hàng năm ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm được 4.100 tỷ đồng từ việc công khai thông tin về thực hiện hợp đồng. Do đó có thể thấy việc tăng cường công khai thông tin trong lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được xem là một phương thức hiệu quả trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn của nhà nước.
Vai trò và tầm quan trọng của việc công khai thông tin đã sớm được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam nhận thấy và đưa vào quy định của Luật Đấu thầu năm 2005. Cho đến nay, mức độ yêu cầu công khai thông tin trong đấu thầu ngày càng được gia tăng bởi các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật mới về đấu thầu như Luật Đấu thầu năm 2013 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong đó, đặc biệt gia tăng tính minh bạch, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình.
Tuy nhiên, các thông tin được đăng tải theo quy định nêu trên mới chỉ tập trung vào giai đoạn lựa chọn nhà thầu, mà chưa bao gồm giai đoạn triển khai thực hiện hợp đồng. Trong khi đó, hợp đồng là cấu phần quan trọng, không thể tách rời của quá trình lựa chọn nhà thầu và kết quả thực hiện hợp đồng chính là phản ánh tính hiệu quả của việc thực hiện dự án, gói thầu.
Công khai thông tin triển khai thực hiện hợp đồng
Để khắc phục những bất cập trên, theo kiến nghị của chuyên gia và kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, một trong những phương tiện đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn nhà nước là tăng cường công khai thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu và triển khai hợp đồng. Việc tăng cường công khai thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện hợp đồng sẽ tăng hiệu quả sử dụng và đầu tư vốn nhà nước bởi những tác động tích cực trên cả các phương diện như quản lý, tổ chức lựa chọn nhà thầu, tính cạnh tranh trong đấu thầu và giám sát cộng đồng.
Về mặt quản lý, việc áp dụng hợp đồng công khai sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được thông tin tổng thể và chi tiết về quá trình đấu thầu và thực hiện hợp đồng một cách kịp thời thông qua các phương tiện trực tuyến, từ đó xử lý các thông tin, dữ liệu để phục vụ công tác quản lý, điều hành đạt hiệu quả. Cũng trên cơ sở này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ kịp thời đưa ra được những chính sách tốt, phù hợp với thực tiễn về đấu thầu. Bên cạnh đó, việc tổng hợp, phân tích số liệu sẽ chỉ ra được năng lực thực tế của nhà thầu, hiệu quả thực hiện gói thầu, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.
Về mặt tổ chức lựa chọn nhà thầu, khi số liệu về đấu thầu và thực hiện hợp đồng được lưu giữ, công khai sẽ tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian, tăng độ tin cậy trong việc đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu về năng lực, kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó. Dữ liệu lưu giữ của nhà thầu cũng giúp chống được các hành vi gian lận về kê khai năng lực, kinh nghiệm trong hồ sơ dự thầu. Hơn nữa, công cụ này cũng giúp hạn chế việc thông thầu, đấu thầu “hình thức”,…
Về đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, áp dụng hợp đồng công khai sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu trong cùng lĩnh vực có thể “giám sát chéo” lẫn nhau, phát hiện sai sót cũng như học tập kinh nghiệm của nhau, năng lực cạnh tranh từ đó được đẩy lên cao.
Một lợi ích quan trọng không thể không nhắc tới của hợp đồng công khai là sự tham gia giám sát của cộng đồng trong đấu thầu và thực hiện hợp đồng dựa trên các thông tin được công khai. Giám sát cộng đồng sẽ là một hình thức hỗ trợ tích cực để đảm bảo gói thầu, dự án công được thực hiện hiệu quả, tạo ra được sản phẩm công phù hợp cho đối tượng sử dụng chủ yếu là cộng đồng. Giám sát cộng đồng cũng là một phương tiện trong công tác phòng chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí của việc sử dụng và đầu tư vốn nhà nước.
Một khi việc sử dụng đồng vốn nhà nước trong mua sắm công được giám sát chặt chẽ và công khai, minh bạch thông tin thì sẽ tạo niềm tin cho các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước về một sân chơi bình đẳng trong công tác đấu thầu, từ đó tích cực tham gia các dự án công, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của công tác đấu thầu.
H.Thắng - M.Thuận
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An