• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Gom gọn chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia 

(Chinhphu.vn) – Đây là giải pháp được Chính phủ đề xuất với Quốc hội (QH) nhằm tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề bức xúc nhất của xã hội, tạo điều kiện cho địa phương, cơ sở chủ động trong lồng ghép đầu tư trên địa bàn, nâng cao hiệu quả đầu tư.

 
Ảnh minh họa.

 

Thực hiện Nghị quyết của QH về Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011-2015, Chính phủ triển khai thực hiện 16 Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015.

Tổng kinh phí huy động thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015 là khoảng 323.982 tỉ đồng.

Cụ thể, chiếm tỉ trọng lớn nhất là nguồn vốn vay tín dụng, khoảng 88.141 tỉ đồng, chiếm 27% tổng kinh phí thực hiện các Chương trình. Cũng chiếm tỉ trọng lớn là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (25%) và các nguồn vốn khác (25%). Còn lại là từ ngân sách địa phương (16%), nguồn vốn nước ngoài (4%) và vốn trái phiếu Chính phủ (3%).

Việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trong những năm qua có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân.

Các Chương trình MTQG đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của giai đoạn 2011-2015 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Thông qua thực hiện Chương trình MTQG, đã bước đầu mang lại sự chuyển biến đáng kể đối với hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở, góp phần rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đặc biệt là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, giáo dục mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Các Chương trình MTQG được triển khai đồng bộ ở các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Các Chương trình MTQG cũng đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.

Sẽ loại bỏ nhiều dự án

Trên cơ sở đánh giá các mặt được và những vấn đề tồn tại, hạn chế trong thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015, Chính phủ kiến nghị gom lại, thực hiện theo 2 chương trình gồm Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, sẽ thực hiện việc rà soát, tổ chức lại các mục tiêu, nhiệm vụ của 14 Chương trình MTQG thực hiện theo giai đoạn 2011-2015.

Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh trình bày trước QH chiều nay cũng đã đề xuất những nguyên tắc rà soát cụ thể.

Trước hết, đề nghị loại bỏ không thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành hoặc không cần thiết đầu tư giai đoạn tới.

Đối với các mục tiêu, nhiệm vụ mang tính chất chi thường xuyên, thuộc nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, đề nghị chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương và bố trí trực tiếp vốn cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các mục tiêu này.

Các mục tiêu, nhiệm vụ có liên quan đến giảm nghèo bền vững thì lồng ghép vào Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững; mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến xây dựng nông thôn mới đưa vào Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới.

Các mục tiêu, nhiệm vụ vẫn cần thiết thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 nhưng không đưa được vào 2 Chương trình MTQG thì chuyển thành chương trình mục tiêu hoặc ghép vào Chương trình mục tiêu phù hợp.

Với các nguyên tắc trên, Chính phủ đã rà soát, đề nghị xử lý 63 dự án thành phần của 14 Chương trình MTQG. Cụ thể, loại bỏ 14 dự án; lồng ghép 8 dự án vào Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới; lồng ghép 2 dự án vào Chương trình Giảm nghèo bền vững; chuyển 37 dự án sang đầu tư theo hình thức chương trình mục tiêu; chuyển 2 dự án vào nhiệm vụ thường xuyên của bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách QH cũng thống nhất với đề xuất này của Chính phủ.

Theo chương trình, những nội dung chi tiết trong đề xuất của Chính phủ sẽ được QH xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định.

Xuân Tuyến

Nguồn: chinhphu.vn

Người đăng: T.An

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)