• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Để khắc phục hạn chế, bất cập trong giám sát và đánh giá đầu tư 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) – cơ quan soạn thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư (thay thế Nghị định số 113/2009/NĐ-CP) cho biết, đến nay, Bộ đã nhận được trên 70 ý kiến góp ý bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương cho Dự thảo Nghị định. Nhìn chung, các ý kiến góp ý đều cơ bản thống nhất về sự cần thiết, bố cục, nội dung của Dự thảo.
Tăng cường vai trò của giám sát, đánh giá đầu tư
Theo Bộ KH&ĐT, trong thời gian qua, các quy định về giám sát, đánh giá đầu tư của các chủ đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước đã được ban hành, trong đó có quy định tại Điều 84 của Luật Đầu tư 2005; Thông tư số 13/2010/TT-BKH ngày 02/6/2010 về mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư; Thông tư số 22/2010/TT-BKH ngày 02/12/2010 quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư; Thông tư số 23/2010/TT-BKH ngày 13/12/2010 quy định về điều kiện năng lực của tổ chức và cá nhân thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư... Đây là hành lang pháp lý quan trọng để các cá nhân, tổ chức liên quan đến đầu tư và cộng đồng giám sát, đánh giá đầu tư. Thông qua công tác giám sát, đánh giá đầu tư, nhiều sai sót trong quá trình đầu tư đã được phát hiện, kiến nghị điều chỉnh. Kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư hàng năm đã giúp Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước có thêm nhiều thông tin trong việc xây dựng, điều chỉnh các chính sách đầu tư, các dự án đầu tư. 
IMG
Một trong những hạn chế của công tác giám sát, đánh giá đầu tư là lực lượng thực hiện công tác này còn mỏng, chủ yếu là kiêm nghiệm, chưa được đào tạo sâu về chuyên môn nghiệp vụ
Ảnh: Tất Tiên
Bộ KH&ĐT cho rằng, những quy định này đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người quyết định đầu tư trong quá trình kiểm tra, giám sát, bố trí nguồn lực phù hợp trong hoạt động đầu tư. Từ đó, giúp người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư và các đơn vị cá nhân liên quan nắm bắt được thông tin kịp thời trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư; trên cơ sở đó giải quyết kịp thời các vướng mắc, phát sinh trong quá trình đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Đồng thời, các quy định này cũng đưa ra các chế tài cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức liên quan nhằm thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình đầu tư; bước đầu giúp các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức các đơn vị thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư trực thuộc. Qua quá trình theo dõi, kiểm tra, đánh giá, nhiều sai sót, vướng mắc trong quá trình đầu tư cũng đã được phát hiện, khắc phục và chấn chỉnh kịp thời.
 
Đối với công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, các quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng đã góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thực hiện quyền dân chủ của người dân trong hoạt động đầu tư, thực hiện tốt mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Kết quả công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đã góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, trên cơ sở đó bảo đảm các chương trình, dự án được đầu tư đúng mục tiêu, có hiệu quả, phục vụ tốt hơn các lợi ích của cộng đồng, của nhân dân. Ở nhiều địa phương, công tác giám sát đầu tư của cộng đồng được triển khai tốt, người dân đã tham gia tích cực vào hoạt động đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh, gọn, nhiều người dân đã tự động hiến đất, ngày công để tham gia đầu tư. Chất lượng và hiệu quả đầu tư của các dự án được cải thiện.
 
Khắc phục hạn chế trong giám sát, đánh giá đầu tư
Ghi nhận những quy định hiện hành đã góp phần tăng cường vai trò của công tác giám sát, đánh giá đầu tư, song Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, những quy định hiện hành về hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Đơn cử như Nghị định số 113/2009/NĐ-CP mới chỉ chia ra 2 loại dự án là dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên và dự án khác, mà chưa phân khai được theo từng nguồn vốn theo Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn vốn nhà nước khác. Một ví dụ khác, Thông tư số 22/2010/TT-BKH mặc dù đã quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư, tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về khoản mục chi, nên gây khó khăn trong triển khai thực hiện. 
 
Bên cạnh đó, theo ý kiến của một số chuyên gia, hiện nay, mặc dù chế tài xử lý vi phạm trong giám sát, đánh giá đầu tư đã được quy định rõ ràng, nhưng vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế và tính khả thi trong thực hiện. Thời lượng báo cáo và một số nội dung của mẫu báo cáo cần được sửa đổi cho phù hợp hơn với các dự án có quy mô nhỏ và các dự án đặc thù. 
 
Một hạn chế nữa của công tác giám sát, đánh giá đầu tư là vấn đề lực lượng thực hiện công tác này. Lực lượng cán bộ làm công tác giám sát, đánh giá đầu tư hiện còn mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, một số cán bộ kinh nghiệm còn hạn chế, chưa được đào tạo sâu về chuyên môn nghiệp vụ đánh giá đầu tư; cơ cấu tổ chức làm công tác giám sát, đánh giá đầu tư mới được hoàn thiện ở cấp bộ, ngành và cấp tỉnh; cấp huyện chưa ổn định, cấp xã hầu như chưa có. Điều này dẫn đến thực trạng lập các báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư ở một số cơ quan theo định kỳ còn mang tính hình thức, chất lượng báo cáo chưa cao, chưa mang tính tự giác, các kỳ báo cáo đều phải đôn đốc, nhắc nhở; việc xử lý vi phạm trong giám sát, đánh giá đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến công tác báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư. Vẫn còn một số cơ quan và chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến công tác đánh giá dự án đầu tư theo quy định, đặc biệt là việc tổ chức đánh giá tác động của dự án đầu tư để làm rõ hiệu quả thực tế của dự án.   
 
Dẫn chứng cho điều này, Bộ KH&ĐT cho biết, tại nhiều địa phương, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng các báo cáo giám sát đầu tư của cộng đồng gửi về Bộ KH&ĐT trong các năm qua còn ít, do vậy ảnh hưởng đến việc tổng hợp báo Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Ở một số địa phương, hiện còn có hiện tượng lợi dụng công tác giám sát đầu tư của cộng đồng để gây cản trở hoạt động triển khai các dự án trên địa bàn...
 
 
 
Ngô Trần
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)