• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Một số điểm mới trong Thông tư quy định chi tiết lập HSMT xây lắp 
Trải qua gần một năm xây dựng, cùng với sự nỗ lực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc hài hòa hóa quy định về đấu thầu của Việt Nam và hướng dẫn đấu thầu của nhà tài trợ, ngày 06/5/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp (Thông tư số 03).
IMG
Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp
 Ảnh: Tất Tiên
Thông tư số 03 được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp; tạo sự thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu, tăng cường hơn nữa tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu. Với những quy định mới phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và các thông lệ tốt của quốc tế, Thông tư số 03 sẽ góp phần quan trọng trong việc lựa chọn được đúng nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và giải pháp kỹ thuật tốt để thực hiện gói thầu với giá cạnh tranh nhất.
 
Thông tư số 03 gồm 7 Điều, kèm theo 2 Mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) xây lắp. Theo quy định tại Điều 1 – Phạm vi điều chỉnh thì Mẫu HSMT xây lắp số 01 (Mẫu số 01) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ; Mẫu HSMT xây lắp số 02 (Mẫu số 02) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ. Đối với các gói thầu quy mô nhỏ, căn cứ tính chất của gói thầu, trường hợp chủ đầu tư xét thấy cần áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ thì phải trình người có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và sử dụng Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này để lập HSMT.
 
Đối với gói thầu xây lắp được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB) thuộc các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của ADB, WB thì áp dụng Mẫu HSMT NCB do ADB và WB ban hành bằng tiếng Việt. Đây là quy định mang tính đột phá được xây dựng trên cơ sở ý kiến thống nhất của ADB và WB. Trước đây, việc đấu thầu NCB đối với các gói thầu sử dụng vốn vay của ADB, WB phải thực hiện theo hướng dẫn đấu thầu của từng nhà tài trợ, thì nay với quy định này, ADB và WB sẽ ban hành Mẫu HSMT bằng tiếng Việt để áp dụng thống nhất cho tất cả các dự án sử dụng vốn vay của ADB, WB.
 
Liên quan đến quy định về thuế, phí, lệ phí, Điều 4 của Thông tư số 03 quy định, khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) trong giá dự thầu theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu (HSDT) không đề cập về thuế, phí, lệ phí, thì giá dự thầu của nhà thầu được coi là đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí; trong trường hợp này, nếu nhà thầu trúng thầu, được trao hợp đồng, thì phải chịu mọi trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí (nếu có) đối với Nhà nước. Trường hợp trong HSDT, nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có) thì HSDT của nhà thầu sẽ bị loại. 
IMG
Với rất nhiều quy định mới phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, thông lệ quốc tế và hướng dẫn đấu thầu của ADB, WB, Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT sẽ góp phần nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu
Ảnh: Tất Tiên
Việc quản lý và sử dụng chi phí dự phòng cũng được quy định cụ thể tại Điều 5 của Thông tư số 03. Theo đó, khi tham dự thầu, nhà thầu phải chào các khoản chi phí dự phòng theo đúng yêu cầu của HSMT. Đối với hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải tính toán và phân bổ chi phí dự phòng trong giá dự thầu; trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà thầu không được điều chỉnh giá đối với những công việc thuộc phạm vi hợp đồng đã ký kết. Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, chi phí dự phòng do nhà thầu chào được tách riêng và không xem xét, đánh giá để so sánh, xếp hạng nhà thầu; trường hợp nhà thầu được công nhận trúng thầu, thì giá trúng thầu và giá hợp đồng sẽ bao gồm chi phí dự phòng, chi phí dự phòng do chủ đầu tư quản lý và chỉ được sử dụng khi có phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng theo quy định trong hợp đồng. 
 
Với mục tiêu “đấu thầu để lựa chọn nhà thầu” chứ không phải “đấu thầu để loại bỏ nhà thầu”, trong hai Mẫu HSMT xây lắp ban hành kèm theo Thông tư số 03 có nhiều quy định được xây dựng nhằm lựa chọn được nhà thầu tốt nhất trên các phương diện về năng lực, kinh nghiệm, đề xuất kỹ thuật và giá cả để trao hợp đồng.
 
Quy định về “Các sai khác, đặt điều kiện và bỏ sót nội dung”, “Xác định tính đáp ứng của hồ sơ dự thầu” và “Sai sót không nghiêm trọng” tại Chương I – Chỉ dẫn nhà thầu là nội dung mới so với quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BKH, Thông tư số 02/2010/TT-BKH. Đây là nội dung hài hòa hóa với quy định trong hướng dẫn đấu thầu của ADB và WB. Với quy định này, Tổ chuyên gia không thể loại bỏ HSDT đã đáp ứng yêu cầu cơ bản của HSMT. Theo đó, trường hợp HSDT đáp ứng cơ bản yêu cầu của HSMT nhưng vẫn còn một số sai sót, thì các sai sót này sẽ được xem xét, chấp nhận, nếu nó không phải là những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót nội dung cơ bản trong HSDT.
 
Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu quy định trong các Mẫu HSMT ban hành kèm theo Thông tư số 03 cũng có nhiều điểm mới so với quy định trước đây. Theo đó, khi tham dự thầu, ngoài năng lực về kỹ thuật, nhà thầu phải chứng minh có đủ năng lực tài chính để thực hiện các hợp đồng dở dang và thực hiện gói thầu đang xét nếu được công nhận trúng thầu. Trường hợp nhà thầu được một tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cam kết sẽ cung cấp tín dụng để thực hiện gói thầu đang xét với hạn mức tối thiểu bằng giá trị yêu cầu trong HSMT, thì nhà thầu không phải chứng minh năng lực tài chính để thực hiện các hợp đồng dở dang.
 
Đối với yêu cầu về doanh thu, chỉ xem xét đối với doanh thu trong lĩnh vực xây dựng của nhà thầu thông qua các hợp đồng, hóa đơn thanh toán trước đó mà không xem xét đối với doanh thu trong các lĩnh vực kinh doanh khác của nhà thầu. 
 
Đối với yêu cầu về kinh nghiệm, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có kinh nghiệm cụ thể trong quản lý và thực hiện hợp đồng, không còn nội dung yêu cầu về kinh nghiệm chung trong lĩnh vực xây dựng theo như quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BKH, Thông tư số 02/2010/TT-BKH. Theo đó, trường hợp nhà thầu mới được thành lập một thời gian chưa lâu nhưng đã thực hiện các hợp đồng tương tự như gói thầu đang xét, thì được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm. Ngoài ra, trong Mẫu số 02 còn bổ sung khái niệm “nhà thầu quản lý”; nhà thầu quản lý là nhà thầu không trực tiếp thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công việc của gói thầu, mà ký hợp đồng với các nhà thầu khác để thực hiện nhưng nhà thầu vẫn quản lý việc thực hiện của các nhà thầu mà mình đã ký hợp đồng, đồng thời vẫn chịu toàn bộ trách nhiệm cũng như rủi ro liên quan đến giá thành, tiến độ thực hiện và chất lượng của gói thầu. Như vậy, trường hợp nhà thầu không trực tiếp thực hiện hợp đồng mà chỉ thực hiện việc quản lý hợp đồng theo quy định nêu trên cũng được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự.
 
Phần biểu mẫu trong các Mẫu HSMT cũng được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, giúp cho nhà thầu thuận tiện hơn trong quá trình lập HSMT. Chương IV – Biểu mẫu dự thầu có bổ sung Mẫu đơn dự thầu áp dụng trong trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá trực tiếp trong đơn dự thầu. Không còn khái niệm “Bảng tiên lượng mời thầu”, mà thay vào đó là “Bảng tổng hợp giá dự thầu” trong đó quy định rõ: Bên mời thầu phải ghi cụ thể, chi tiết các công việc, hạng mục mời thầu, kèm theo số lượng, khối lượng, đơn vị tính và các yêu cầu về chỉ dẫn kỹ thuật để nhà thầu làm cơ sở chào giá dự thầu. Căn cứ các nội dung công việc mời thầu, nhà thầu điền đơn giá, thành tiền cho từng công việc tương ứng. Quy định nêu trên sẽ hạn chế tình trạng chào thừa, chào thiếu so với yêu cầu, giúp cho việc lập giá dự thầu và xem xét, đánh giá về giá dự thầu được thuận tiện, chính xác hơn.
 
Cũng liên quan đến quy định về giá dự thầu, trong các Mẫu HSMT có quy định trường hợp tại cột “đơn giá dự thầu” và cột “thành tiền” nhà thầu không ghi giá trị hoặc ghi là “0” thì được coi là nhà thầu đã phân bổ giá của công việc này vào các công việc khác thuộc gói thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện hoàn thành các công việc này theo đúng yêu cầu nêu trong HSMT và không được chủ đầu tư thanh toán trong quá trình thực hiện hợp đồng. 
 
Trong thực tế đã xảy ra tình trạng thông đồng giữa nhà thầu với bên mời thầu, chủ đầu tư. Khi tham dự thầu, nhà thầu cố tình không ghi giá trị chào thầu cho một hạng mục nào đó (hạng mục A), trong quá trình đánh giá HSDT, nếu giá dự thầu của nhà thầu này sau khi cộng với giá trị của hạng mục A vẫn là thấp nhất, thì bên mời thầu sẽ coi đây là sai lệch thiếu và tiến hành hiệu chỉnh sai lệch cho nhà thầu (bù thêm chi phí cho nhà thầu); trường hợp nếu cộng thêm giá trị của hạng mục A, thì giá dự thầu của nhà thầu này không phải là thấp nhất, khi đó, Bên mời thầu lại không coi là sai lệch thiếu, mà vẫn tiến hành đánh giá một cách bình thường. Sau khi nhà thầu này được công nhận trúng thầu và ký hợp đồng, chủ đầu tư sẽ tiến hành điều chỉnh, bổ sung chi phí cho nhà thầu. Như vậy, quy định nêu trên sẽ khắc phục được tình trạng chào thầu “mập mờ” để được trúng thầu.
 
So với quy định cũ, trong các Mẫu HSMT có bổ sung Mẫu thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng. Thư chấp thuận HSDT và trao hợp đồng là tài liệu có tính pháp lý, thể hiện ý kiến chính thức của chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc chấp thuận HSDT và trao hợp đồng cho nhà thầu. Khi nhận được thư này, nhà thầu cũng phải có ý kiến chấp thuận hay không chấp thuận đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng. Ngoài ra, trong các Mẫu HSMT cũng đưa ra ví dụ về tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, trong đó có nội dung ưu đãi cho nhà thầu đã đạt giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng để bên mời thầu tham khảo trong quá trình lập HSMT.
 
Thông tư số 03 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015 và thay thế Thông tư số 01/2010/TT-BKH, Thông tư số 02/2010/TT-BKH. Với rất nhiều quy định mới phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, thông lệ quốc tế và hướng dẫn đấu thầu của ADB, WB, Thông tư số 03 sẽ góp phần nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, để Luật Đấu thầu 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đi vào cuộc sống, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác lập, thẩm định, phê duyệt HSMT, đánh giá HSDT, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cần hiểu và nắm bắt rõ tất cả quy định mới của pháp luật về đấu thầu, trong đó có Thông tư số 03, và đặc biệt là cần nâng cao tính liêm chính, khách quan, minh bạch trong quá trình thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu.
 
 
 
Hoàng Cương
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)