Đến 14h30 ngày 6/5/2015, theo đồng hồ nợ công toàn cầu, tổng nợ công của Việt Nam là 89.144.262.295 USD, ở mức 46,6% GDP, nợ công tính theo đầu người là 980,46 USD. Tỷ lệ nợ công so với GDP theo như đồng hồ nợ công này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn nếu so với tiêu chuẩn về ngưỡng trần nợ công/GDP của Việt Nam (65% GDP).
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, dù khả năng Việt Nam rơi vào một cuộc khủng hoảng nợ công là không cao nhưng vấn đề không nằm ở con số nợ công là bao nhiêu, mà là ở xu hướng tăng trưởng của nợ công và khả năng trả nợ. Trong ngắn hạn rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65% và khả năng trả nợ của chúng ta là rất khó khăn và hạn chế, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và về thâm hụt ngân sách.
Trong những năm gần đây, chi tiêu chính phủ của Việt Nam luôn vượt xa mức quy mô chi tiêu công tối ưu và chiếm tới hơn 30% GDP
Ảnh: Lê Tiên
Ông Trần Đình Thiên chỉ ra: Nợ công hiện đang tăng với tốc độ cao, năm 2015, dự báo nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách sẽ vượt “vạch đỏ” (25,9%). Bên cạnh đó, đang xuất hiện xu hướng nội địa hóa nợ công, dựa vào trái phiếu chính phủ, thay vì ODA và điều này dẫn đến nguy cơ lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh.
TS. Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách khuyến nghị, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công chặt chẽ, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vốn vay; bảo đảm nợ công trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội và thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công theo Luật Quản lý nợ công. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nguồn lực Nhà nước giao quản lý; đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (PPP) để huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.
Rủi ro trả nợ công cũng có thể nhìn thấy rõ. Ông Trần Đình Thiên phân tích, về vấn đề trả nợ nước ngoài, áp lực trả nợ nước ngoài hiện giảm nhẹ một phần nhờ việc Chính phủ vừa phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế vào ngày 6/11/2014. Việc này giúp giải quyết một số nghĩa vụ nợ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo (2016 - 2020), hai lô trái phiếu quốc tế phát hành trước đó sẽ đáo hạn (1 lô trị giá 750 triệu USD năm 2005 và 1 lô 1 tỷ USD năm 2010), tiếp đó là lô vừa phát hành sẽ đáo hạn năm 2024. Có thể khẳng định rằng áp lực trả nợ nước ngoài dưới hình thức trả nợ trái phiếu quốc tế sẽ rất lớn và trường kỳ, có khả năng đưa Việt Nam rơi vào nguy cơ của một cuộc khủng hoảng nợ tại các thời điểm nóng về đáo hạn nợ.
Nợ công còn bị đe dọa bởi nhiều rủi ro trong chi tiêu công. Theo ông Trần Đình Thiên, chi tiêu công của nước ta hiện ở mức rất cao so với các nước. Nhìn chung, các nhà kinh tế đều thống nhất cho rằng quy mô chi tiêu công tối ưu đối với các nền kinh tế đang phát triển nằm trong khoảng 15-20% GDP. Trong khi đó, chi tiêu chính phủ của Việt Nam luôn vượt xa mức tối ưu này, và chiếm tới hơn 30% GDP trong những năm gần đây. Trong khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm dần nhờ nỗ lực cắt giảm chi tiêu công, thì tỷ trọng chi thường xuyên lại tăng nhanh, điều này cho thấy việc điều chỉnh và cắt giảm chi tiêu công có cải thiện nhưng chưa hiệu quả, bộ máy công quyền hiện vẫn cồng kềnh và tốn kém.
TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cũng lo ngại, nếu xét trên cấu trúc nợ của Việt Nam, thực tế có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. Bởi vì, cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế hiện có sự vênh nhau, không khớp với nhau. Điều đó có nghĩa nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ của một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc Nhà nước được Nhà nước không tính vào đó. Thực chất hiện nay, với khối nợ của doanh nghiệp nhà nước cực kỳ lớn thì trong tình hình như vậy mức nợ công không phải là dưới 65%.
Đồng quan ngại về vấn đề nợ công, TS. Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trong khi tốc độ tăng GDP thấp ảnh hướng tới tính bền vững. Nghĩa vụ trả nợ và các khoản nợ phải trả hàng năm tăng nhanh dẫn đến phải vay đảo nợ với khối lượng lớn, năm sau cao hơn năm trước tạo áp lực cho cân đối, bố trí nguồn trả nợ hàng năm. Cơ cấu nợ công chưa hợp lý khi vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất vay khá cao nhưng lại được sử dụng cho các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có thời hạn thu hồi vốn dài, dẫn đến áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng vốn vay cũng chưa thật sự đạt hiệu quả cao thể hiện qua nhiều dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng chi phí lãi vay, kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ. Thêm vào đó là nhiều vụ việc thất thoát, tham ô, tham nhũng, kể cả đối với nguồn vốn ODA lâu nay vốn được các nhà tài trợ quốc tế kiểm soát chặt chẽ cũng làm giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.
Nguyệt Minh
Người đăng: T.An