• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Hàng Việt vẫn gặp khó trong đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước 
Nhận xét trên được Bộ Công Thương đưa ra tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 6 tháng đầu năm và phương hướng thực hiện 6 tháng cuối năm 2015 tổ chức sáng ngày 24/7, tại Hà Nội.
IMG
Trên thực tế, để hàng hóa trong nước có thể được sử dụng nhiều hơn trong công tác đấu thầu tại các dự án sử dụng vốn nhà nước
thì công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần bóc tách, phân chia nhỏ nhiều gói thầu 
Ảnh: Tất Tiên
 
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đến nay Cuộc vận động đã triển khai được 6 năm và đạt được những kết quả tích cực khi tâm lý tiêu dùng của người Việt đã có những thay đổi đáng kể. Nhờ đó, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp trong nước và cả doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam. Thống kê của Bộ Công Thương ghi nhận, hiện tỷ trọng hàng sản xuất tại Việt Nam bán ra tại các cơ sở này đang chiếm khoảng 90%. Người tiêu dùng đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng ngoại.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, quá trình thực hiện Cuộc vận động trong 6 tháng đầu năm 2015 vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, nhất là trong việc thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án sử dụng vốn nhà nước. Dẫn chứng cho thực trạng này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết: “Hiện có 4 khó khăn chủ yếu tác động đến hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg là về cơ chế chính sách, quá trình triển khai thực tế, năng lực của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa và năng lực của các chủ đầu tư dự án”.
IMG
Bộ Công Thương cho rằng, ở một góc độ nhất định, nhiều chủ đầu tư chưa phát huy được vai trò trong công tác tăng cường sử dụng máy móc,
thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu
 Ảnh: T.H
Về chính sách, Bộ Công Thương đánh giá, đến nay hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật, nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ sức khỏe người sử dụng, tiêu hao năng lượng… đối với các hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm cơ khí. Đồng thời, Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ chi phí chuyển giao công nghệ, mua bán bản quyền thiết kế, đặc biệt là trong việc đầu tư các phần mềm thiết kế chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất các nhà máy thủy điện, xi măng…
 
Ngoài ra, thực tế triển khai Chỉ thị 494/CT-TTg cho thấy, để hàng hóa trong nước có thể được sử dụng nhiều hơn trong công tác đấu thầu tại các dự án sử dụng vốn nhà nước thì công tác lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu sẽ phải bóc tách, phân chia nhỏ nhiều gói thầu nhằm tạo điều kiện để có các gói thầu mà phạm vi cung cấp là các thiết bị, máy móc và vật tư trong nước sản xuất được được ưu tiên trong đấu thầu. Tuy nhiên, một số dự án đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các gói thầu, rủi ro về vận hành cao, nên việc tách gói thầu phải cân nhắc kỹ đi đôi với việc thuê tư vấn giỏi để đảm nhận công việc này. Vì vậy, nhiều hồ sơ mời thầu vẫn ưu tiên hàng nhập ngoại, loại bỏ hàng sản xuất trong nước ngay cả khi sản phẩm này đã được Bộ Công Thương phê duyệt nằm trong Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được. Bên cạnh đó, đại diện Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam cũng chỉ ra một thực tế, các doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp không ít khó khăn khi muốn được tham gia vào các dự án nhà nước có sử dụng vốn vay từ các định chế tài chính như: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới…
 
Khó khăn thứ ba phải kể đến là năng lực của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa trong nước của Việt Nam mặc dù có chuyển biến, song vẫn còn nhiều hạn chế. Một số máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu sản xuất trong nước có chất lượng chưa bằng các sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất nên dẫn đến chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành tăng. Bên cạnh đó, một số sản phẩm bị lỗi thiết kế và chế tạo dẫn đến khi lắp đặt vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng tới tiến độ dự án… 
 
Mặt khác, Bộ Công Thương cho rằng, ở một góc độ nhất định, nhiều chủ đầu tư chưa phát huy được vai trò trong công tác tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu. Về vấn đề này, đại diện Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam thông tin: “Đâu đó vẫn còn tình trạng chủ đầu tư chưa hoặc ít quan tâm đến Danh mục các máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được của Bộ Công Thương ban hành và danh sách các doanh nghiệp sản xuất được các mặt hàng theo Danh mục này”.
 
Trước thực tế trên, tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã kiến nghị các bên liên quan nâng cao tinh thần sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được trong công tác đấu thầu; Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 494/CT-TTg theo hướng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa nền sản xuất trong nước.
 
 
T.H
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)