• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Hy vọng sẽ tạo đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh 

Trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) diễn ra hôm qua (10/11), hầu hết các đại biểu Quốc hội đánh giá cao những nội dung mới của 2 dự án Luật và tin tưởng đó sẽ là cơ sở quan trọng để tạo đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở nước ta.

 
IMG
Giảm bớt những lĩnh vực, ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện là
rất cần thiết nhằm bảo đảm quyền kinh doanh của người dân đối với ngành nghề pháp luật không cấm
 Ảnh: Lê Tiên
“Điểm sáng, tiến bộ vượt bậc”

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày sáng ngày 10/11 cho biết: “Sau khi xem xét, cân nhắc UBTVQH đã chỉ đạo thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của dự thảo Luật và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”. Cho ý kiến về nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá nội dung mới này là một thay đổi mạnh mẽ để Việt Nam có môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng minh bạch.
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) bày tỏ quan điểm tán thành: “Việc giảm bớt những lĩnh vực, ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất cần thiết nhằm phù hợp với tinh thần mở rộng, bảo đảm quyền kinh doanh của người dân đối với ngành nghề pháp luật không cấm đã được quy định trong Hiến pháp 2013”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận xét: ”Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện có ảnh hưởng trực tiếp, tức thời và đáng kể đến quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh của nhà đầu tư. Do đó, lần này, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đã xử lý được tất cả các các vấn đề này ở Danh mục một cách gọn gàng, triệt để và hợp lý”. Đồng thuận với các quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (TP. Hà Nội) nhấn mạnh: “Việc tích hợp trên cơ sở rà soát lại, loại bỏ các quy định trùng lặp để thu hẹp 51 lĩnh vực ngành, nghề, hàng hóa dịch vụ cấm đầu tư xuống chỉ còn 6 ngành; số ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh giảm từ 386 xuống còn 272 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được coi là một điểm rất sáng, một tiến bộ vượt bậc của dự án Luật Đầu tư lần này”.
 
IMG
Một khi nhà đầu tư nước ngoài mới vào thì phải chịu kiểm soát, không có nước nào không kiểm soát 
 Ảnh: Lê Tiên
 
Bên cạnh đó, nội dung ưu đãi và hỗ trợ đầu tư thuộc dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng: “Việc ưu đãi cho những doanh nghiệp khởi nghiệp cực kỳ quan  trọng. Ở các nước, định chế ngân hàng đầu tư hỗ trợ cho người khởi nghiệp, tuy nhiên ở nước ta vấn đề này chưa được quan tâm thích đáng”. Vì vậy, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần bổ sung quy định này vào dự án Luật. Tán đồng ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phát biểu: “Trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tài ba khởi nghiệp từ những cái rất bé, nếu được hỗ trợ, được khuyến khích, động viên, ưu đãi thì những doanh nghiệp này phát triển rất tốt, nên có quy định đó. Do vậy, chúng ta nên ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp khi khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho xã hội”.
 
Thủ tục phải thông thoáng
 
IMG
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) lần này được các đại biểu Quốc hội cũng như giới doanh nhân, kể cả doanh nhân nước ngoài đánh giá rất cao. Đó là chúng ta thay đổi phương pháp tiếp cận, từ phương pháp tiếp cận chọn - cho sang phương thức chọn - bỏ. Đây là phương pháp tiếp cận cực kỳ tiên tiến và minh bạch, nhưng vô cùng khó làm. Một điều rất quan trọng đó là "con người". Làm thế nào để con người thực thi luật pháp tốt thì chúng ta mới có sự minh bạch, còn nếu con người lợi dụng luật để mưu cầu việc riêng thì sẽ không làm tốt và luật sẽ không phát huy tác dụng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục đầu tư, phát biểu tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước. Đây không phải là buông lỏng, bởi các luật chuyên ngành của chúng ta cũng quy định quá chặt, cụ thể, cho nên không nhất thiết bắt doanh nghiệp phải làm lặp lại”. Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: “Thủ tục này phải chặt chẽ hơn, không thể cào bằng được với nhà đầu tư trong nước. Một khi nhà đầu tư mới vào thì phải chịu kiểm soát, không có nước nào không kiểm soát”.
Trong các quy định hiện nay, thời gian thực hiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư khoảng 45 ngày, dự kiến trong thời gian tới, giảm xuống còn khoảng 15 ngày; các quy trình sẽ phải làm rõ ràng hơn, đơn giản hơn theo thông lệ quốc tế.
Liên quan đến việc đơn giản hóa thủ tục tục hành chính cho doanh nghiệp, tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng nghiên cứu để xem xét một vấn đề rất quan trọng là không cần hoặc không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu. Cho ý kiến về quy định này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chia sẻ: “Quy định này trên thế giới bỏ lâu rồi, chỉ còn vài nước bắt buộc doanh nghiệp sử dụng con dấu. Doanh nghiệp phải tiếp cận theo hướng này mới tạo sự minh bạch, nếu không, những thủ tục và phiền hà cho doanh nghiệp là còn rất lớn”. 
 
 
 
Vinh Hiếu
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An

 

 

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)