Sáng ngày 7/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Cơ quan Hợp tác quốc tế của Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo Giới thiệu Sách hướng dẫn chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm nâng cao hiệu quả tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Trong những năm gần đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta đã phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng
Ảnh: Lê Tiên
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, trong những năm gần đây, DNNVV nước ta đã có những bước phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên toàn quốc. Khung pháp lý về trợ giúp DNNVV hiện nay của Việt Nam tương đối bao quát trên nhiều lĩnh vực như hỗ trợ tài chính, tín dụng; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; phát triển nguồn nhân lực; mặt bằng sản xuất kinh doanh; xúc tiến mở rộng thị trường; thông tin và tư vấn… Các chương trình hỗ trợ DNNVV tại Việt Nam đã được ban hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc hướng dẫn và triển khai thực hiện ở các Bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của DNNVV và mức độ triển khai còn rất thấp. Nguyên nhân một phần là do việc hướng dẫn và triển khai thực hiện ở các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, khiến các DNNVV khó nắm bắt và tiếp cận được các chương trình hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT, kết quả khảo sát hơn 7.000 doanh nghiệp về tình hình tiếp cận thông tin, chính sách hỗ trợ DNNVV cho thấy, việc hướng dẫn và triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của DN; hoạt động trợ giúp DNNVV chưa có trọng tâm; nguồn lực dành cho hoạt động hỗ trợ DNNVV còn hạn chế nhưng lại bị dàn trải và phân tán. Hiện có rất ít chương trình hỗ trợ ghi tên riêng cho DNNVV, trừ hoạt động bảo lãnh tín dụng, các doanh nghiệp lớn thường có lợi thế hơn...
Trước tình hình đó, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đánh giá cao việc xây dựng và tổ chức Hội thảo giới thiệu Sách hướng dẫn chương trình hỗ trợ DNNVV tới các cơ quan hỗ trợ DNNVV cấp trung ương và địa phương, các hiệp hội. Cuốn sách đã cung cấp một cách tổng quan các chương trình hỗ trợ DNNVV đang triển khai trên toàn quốc hiện nay. Đây là cuốn sách đầu tiên cung cấp thông tin đầy đủ về 38 chương trình hỗ trợ DNNVV của 5 Bộ và 1 ngân hàng đang được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Từ đó, DNNVV có thể lựa chọn, tham gia các chương trình phù hợp nhằm hỗ trợ phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường.
Về góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng bày tỏ mong muốn các đơn vị tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung của cuốn sách, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, những giải pháp hay để hỗ trợ khu vực DNNVV phát triển một cách lành mạnh, hiệu quả như định hướng của Chính phủ. Hy vọng, trong giai đoạn tới, việc cung cấp thông tin về các chính sách hỗ trợ DNNVV hiệu quả và thiết thực hơn.
Các đại biểu đến từ các bên liên quan đều đánh giá cao về việc ban hành Cuốn sách hướng dẫn này và cho rằng, cần cập nhật thông tin thường xuyên của các Bộ, ngành hàng năm, bổ sung và đăng tải công khai trên website. Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, cần xây dựng, bổ sung và cập nhật Cuốn sách như một cuốn niên giám. Cùng với đó, nhiều đại biểu đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị liên quan nhằm giúp DN có nhiều cơ hội thụ hưởng những chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Cuốn sách vừa là công cụ, vừa là cẩm nang để giúp các DN tiếp cận những chính sách ưu đãi mà Nhà nước dành cho họ. Do đó, đề nghị các cơ quan Bộ, ngành chức năng cần hệ thống hóa các chương trình, đề án hỗ trợ một cách cụ thể nhất; giới thiệu và quảng bá rộng rãi đến các DN trên toàn quốc. Ông Lê Duy Thành cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ phát triển DNNVV hơn nữa trong thời gian tới để nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV và của Việt Nam nói chung.
Sách hướng dẫn Các chương trình hỗ trợ DNNVV có 4 phần. Phần 1 là hỗ trợ quản lý và thông tin. Phần 2 là Hỗ trợ về phát triển công nghệ. Phần 3 là hỗ trợ về thuế và tài chính. Phần 4 là các tổ chức hỗ trợ. Theo chia sẻ của ông Miki, chuyên gia của Nhật Bản, phần nội dung liên quan đến việc giới thiệu các cơ quan hỗ trợ ở cấp trung ương và địa phương là nội dung quan trọng nhất. Những chỉ dẫn cụ thể về đơn vị nào trực tiếp triển khai các chương trình hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp thì giá trị ứng dụng mới cao, mang ý nghĩa thiết thực.
Bích Thủy
Người đăng: T.An