Thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước là cơ sở để phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức
TS. Trần Đức Lượng, Phó Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) phát biểu như vậy tại Hội nghị phổ biến, quán triệt một số văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) diễn ra ngày 12/5 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (TTCP) cho biết, trong hoạt động của bộ máy công quyền thì trách nhiệm giải trình là việc cán bộ, công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. CQNN, cán bộ, công chức nhà nước phải có trách nhiệm thực thi công việc được giao và phải chịu hậu quả khi chưa làm tròn trách nhiệm. Trên thực tế thì quan niệm về trách nhiệm giải trình ở các nước bao gồm toàn bộ các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của bộ máy nhà nước nói chung, của những người nắm giữ và thực thi quyền lực công chủ yếu 2 hướng: trách nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên (trách nhiệm trong nội bộ) và trách nhiệm của bộ máy công quyền với xã hội (trách nhiệm ra bên ngoài, hay trách nhiệm hướng xuống dưới).
Từ góc độ bảo đảm quyền được thông tin của người dân nói chung, trách nhiệm giải trình gắn liền với trách nhiệm thông tin đến đối tượng thụ hưởng/chịu sự quản lý và được thể hiện bằng 2 hình thức là giải trình chủ động và giải trình bị động. Giải trình chủ động là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chủ động cung cấp thông tin, chủ động công khai nội dung hoạt động của mình. Giải trình bị động là các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin theo yêu cầu của các chủ thể có liên quan.
Trong phòng chống tham nhũng, “trách nhiệm giải trình” được xem là một yếu tố không thể thiếu khi đề cập đến “công khai, minh bạch” hoạt động của các cơ quan, tổ chức
Trên bình diện rộng, trách nhiệm giải trình là trách nhiệm bảo đảm công khai, minh bạch của cả bộ máy nhà nước. Nhiều văn bản pháp luật của các nước trên thế giới và ở Việt Nam tiếp cận và quy định trách nhiệm này. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc chủ động công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đều được thực hiện trên cơ sở các đạo luật.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện TTCP cho biết, trong PCTN “trách nhiệm giải trình” được xem như là một yếu tố cấu thành không thể thiếu khi đề cập đến “công khai, minh bạch” hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Trách nhiệm giải trình không chỉ bao gồm trách nhiệm của các chủ thể khi công khai các nội dung theo yêu cầu, mà bao gồm cả việc giải thích và làm rõ các nội dung đó. Nói cách khác, “trách nhiệm giải trình” là phương tiện để hướng tới sự “minh bạch”. Nếu như công khai vừa là nhiệm vụ, vừa là hoạt động cụ thể, trong đó các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông tin để người dân biết được các nội dung phải công khai, thì minh bạch được xem như quá trình hoạt động công khai bao hàm trạng thái mà người dân biết rõ, hiểu đúng bản chất nội dung đã được công khai. Tính giải trình còn được đề cập với tư cách là một yêu cầu quan trọng đối với việc thực hiện minh bạch. Theo đó, yêu cầu về giải trình nhằm bảo đảm việc cung cấp đủ bằng chứng, căn cứ mang tính khách quan để giải thích hay làm rõ về các nội dung hoặc vấn đề cần minh bạch.
Việc nâng cao trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nói chung, trách nhiệm giải trình nói riêng của các CQNN cũng như của đội ngũ cán bộ, công chức là hết sức cần thiết trong công tác PCTN, lãng phí hiện nay. Bởi vì, nâng cao trách nhiệm giải trình cũng có nghĩa là tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm của nền hành chính, của hoạt động công vụ, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Đây chính là một trong những giải pháp hữu hiệu và bền vững để PCTN, lãng phí. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của CQNN còn là cơ sở để phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng hơn cho cơ quan, tổ chức và công dân trong việc tiếp cận với các thông tin, quyết định quản lý của CQNN.
Bên cạnh đó, việc nâng cao trách nhiệm giải trình cũng góp phần tăng cường đối thoại, hiểu biết giữa các CQNN với người dân, xã hội, góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện, cởi mở hơn giữa các cơ quan công quyền với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, làm tốt việc giải trình của CQNN còn góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo ngày càng gia tăng, với tính chất, mức độ gay gắt, đã và đang tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo.
Bài và ảnh: Bích Thảo
Người đăng: T.An