Hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) được xem là một trong những công cụ quan trọng nhất để chủ đầu tư/bên mời thầu lựa chọn được những nhà thầu thực sự có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án. Tuy nhiên, qua báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu trong năm 2014 của các địa phương cho thấy, chất lượng của các HSMT vẫn là một vấn đề đáng phải quan tâm.
Chủ đầu tư “lơ là” với chất lượng hồ sơ mời thầu
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương, thực tế hoạt động đấu thầu tại địa phương này cho thấy, công tác xét thầu vẫn còn thiếu sót dẫn đến một số trường hợp đơn vị dự thầu không bảo đảm một trong các điều kiện của HSMT, nhưng vẫn được đánh giá trúng thầu. Năng lực, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của tổ xét thầu do đơn vị tư vấn thành lập chưa phù hợp với quy định cũng dẫn đến việc lập HSMT và chấm thầu có nhiều sai phạm. Bên cạnh đó, qua kiểm tra công tác đấu thầu tại một số dự án, Sở KH&ĐT Bình Dương cũng phát hiện tình trang chủ đầu tư “ỷ lại”, “phó mặc”, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện của đơn vị tư vấn, tổ chuyên gia đấu thầu, từ khâu lập và thẩm định HSMT cho đến khâu lựa chọn nhà thầu.
Cũng liên quan đến chất lượng của HSMT, kết quả thanh, kiểm tra hoạt động đấu thầu trong năm 2014 trên địa bàn TP. Hà Nội cho thấy, HSMT, HSYC của một số gói thầu còn thiếu nội dung hoặc có những nội dung chưa rõ ràng, chưa phù hợp theo quy định (về năng lực, kinh nghiệm chuyên ngành của nhà thầu, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự, nhân sự thi công, máy móc, thiết bị phục vụ gói thầu hay năng lực tài chính của nhà thầu…); chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư không thực hiện việc thẩm định HSMT, HSYC theo quy định.
Nhiều hồ sơ mời thầu do các đơn vị tư vấn lập để chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt không đạt yêu cầu, có nhiều sai sót, không đạt chất lượng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án
Ảnh: Lê Tiên
Tương tự, Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2014 của UBND TP.HCM chỉ rõ, chất lượng HSMT của một số chủ đầu tư vẫn còn hạn chế, nhiều HSMT do các đơn vị tư vấn lập để chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt không đạt yêu cầu, có nhiều sai sót, không đạt chất lượng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án, một số trường hợp làm mất thời gian trong đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), xử lý tình huống trong đấu thầu.
Còn ở tỉnh Sóc Trăng, HSMT của một số bên mời thầu có trường hợp chưa tuân thủ chặt chẽ quy định về yêu cầu cạnh tranh; một số đơn vị tư vấn đấu thầu, tổ chuyên gia đấu thầu còn hạn chế trong việc đưa ra yêu cầu kỹ thuật trong HSMT phù hợp với tính chất, quy mô của gói thầu.
Các tồn tại liên quan đến lập, phê duyệt HSMT cũng được Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu chỉ rõ trong Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2014 gửi Bộ KH&ĐT. Cụ thể, Sở KH&ĐT Bạc Liêu cho biết, qua kiểm tra phát hiện tại một số gói thầu, chủ đầu tư (hoặc tư vấn) lập HSMT còn có một số nội dung chưa chặt chẽ và chưa sát với thực tế, do đó phải tốn nhiều thời gian chỉnh sửa, bổ sung làm rõ cho các nhà thầu trong quá trình tổ chức đấu thầu. Đáng chú ý, Sở KH&ĐT Bạc Liêu chỉ rõ: “Một số chủ đầu tư không am hiểu về chuyên môn nên khi phê duyệt HSMT do tư vấn lập chưa phát hiện được những dấu hiệu mang tính chỉ định sẵn nhà thầu nên quá trình tổ chức đấu thầu còn có khiếu nại”.
Phải đánh giá đúng năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiều địa phương đã kiến nghị, đề xuất một số biện pháp để nâng cao chất lượng HSMT, HSYC Sở KH&ĐT tỉnh Tây Ninh đề xuất cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa khâu lập, thẩm định HSMT đến cấp huyện, không phân cấp đến xã; tăng cường thanh, kiểm tra trong đấu thầu và thực hiện nghiêm việc xử phạt vi phạm trong đấu thầu theo quy định hiện hành.
Sở KH&ĐT tỉnh Trà Vinh thì đề nghị tăng cường rà soát, đánh giá năng lực của các ban quản lý dự án, bên mời thầu, đơn vị tư vấn để có biện pháp kiện toàn, chấn chỉnh và nâng cao năng lực. Sở này cũng kiến nghị, cần có văn bản hướng dẫn quy định chế độ báo cáo trong công tác đấu thầu đối với các chủ đầu tư khi thực hiện phê duyệt HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu
Đáng chú ý, Sở KH&ĐT TP. Cần Thơ cho rằng, để khắc phục những hạn chế trong lập HSMT, khi thực hiện công tác này cần căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu mà đưa ra các yêu cầu bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch. “Cần tránh sự hạn chế nhà thầu tham dự hoặc tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong đấu thầu; đặc biệt là bước đánh giá phải đúng tính chất của gói thầu và năng lực kinh nghiệm của nhà thầu”, Sở KH&ĐT Cần Thơ nhấn mạnh. Chia sẻ kiến nghị này, Sở KH&ĐT tỉnh Hậu Giang cho rằng, chủ đầu tư cần kiểm tra năng lực của các đơn vị tư vấn lập HSMT, đơn vị tư vấn đấu thầu trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định lựa chọn các nhà thầu tư vấn để thực hiện.
Thời gian qua, nhiều địa phương đánh giá cao chất lượng của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Để thực hiện hiệu quả Luật và Nghị định, nhiều địa phương đã đề xuất Bộ KH&ĐT sớm ban hành các thông tư quy định chi tiết lập HSMT, HSYC… để nâng cao năng lực thực thi pháp luật về đấu thầu. Đáp ứng yêu cầu đó, kể từ sau khi Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP được ban hành cho đến nay, Bộ KH&ĐT đã lần lượt ban hành các mẫu HSMT (Thông tư số 01/2015/TT-BKH quy định chi tiết lập HSMT tư vấn, Thông tư số 03/2015/TT-BKH quy định chi tiết lập HSMT xây lắp). Dự kiến trong tháng 6 này, Bộ KH&ĐT sẽ ban hành Thông tư quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa. Cùng với đó, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành mẫu HSMT áp dụng cho các gói thầu xây lắp được tổ chức rộng rãi trong nước thuộc dự án sử dụng vốn ODA của hai tổ chức này (bằng tiếng Việt).
Các chuyên gia nhận định, với nỗ lực của Bộ KH&ĐT, hành lang pháp lý về đấu thầu đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, để công tác đấu thầu được thực hiện hiệu quả, ngoài hành lang pháp lý, các bên tham gia vào hoạt động đấu thầu, đặc biệt là tham gia lập HSMT, cần tăng cường nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật để làm tốt công tác đấu thầu; quản lý, điều hành có hiệu quả dự án theo chức năng và quyền hạn được giao.
Bích Thủy
Người đăng: T.An