|
Các đại biểu Quốc hội đề nghị, Luật quy định luôn ai được ở nhà công vụ. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Ngày 10/9, Bộ Xây dựng trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó quy định Nhà nước đầu tư vốn từ ngân sách gồm cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương để xây dựng nhà ở công vụ hoặc để mua, thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ.
Chính phủ quy định cụ thể về việc đầu tư xây dựng, mua hoặc thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ; về đối tượng, điều kiện thuê nhà ở công vụ và việc quản lý, sử dụng nhà ở công vụ.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBTVQH, đối tượng nhà ở công vụ cụ thể như thế nào thì cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Ngoài một số ý kiến đồng ý với quy định của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác.
Có ý kiến cho rằng, chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải.
Một loại ý kiến nữa nghị quy định chế độ nhà ở công vụ được áp dụng với tất cả các đối tượng thực hiện công vụ.
Tại Hội nghị, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, nhà công vụ chỉ dành cho đối tượng là cán bộ cấp cao, còn cán bộ Nhà nước nói chung nên tự mua nhà. Trong khi đó, ông Chu Sơn Hà (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng nhà công vụ cũng phải phục vụ cả cán bộ đi làm việc ở những vùng khó khăn.
Cũng theo ông Hà, có bất cập trong sử dụng nhà công nói chung, như công nhân lao động phải thuê 24.000 đồng/m2 nhà ở xã hội, nhưng nhà công vụ cho cán bộ Nhà nước thuê chỉ có 6.000 đồng/m2, giá thì rẻ mà chất lượng lại tốt hơn. Chưa kể, nhà công vụ giữa cán bộ Nhà nước cũng có khác biệt về chất lượng.
Do đó, đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị, không quy định sử dụng nhà công vụ đối với các cán bộ Nhà nước khác (không phải là cán bộ cấp cao, cán bộ luân chuyển công tác ở miền núi).
Các đại biểu khi nói về quy định nhà công vụ đều nhấn mạnh, cán bộ không còn làm công vụ nữa thì dứt khoát phải trả lại nhà công vụ cho Nhà nước để bố trí cho cán bộ khác có đủ tiêu chuẩn, nhu cầu.
“Khi nghỉ làm, nếu có nhu cầu ở lại nơi công tác, Nhà nước có thể hỗ trợ cán bộ đó mua nhà ở xã hội, đảm bảo cuộc sống cho họ”, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) nói.
Về nội dung này, UBTVQH đề nghị Bộ Xây dựng bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật Nhà ở hiện hành thì phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức khi thuê nhà ở công vụ, đồng thời bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật.
Thành Chung
Nguồn: chinhphu.vn
Người đăng: T.An