• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Tư duy mới về đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong lựa chọn nhà đầu tư 
Trên cơ sở tổng hợp các thông lệ quốc tế tốt và rút kinh nghiệm từ thực tiễn lựa chọn nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng và dịch vụ công tại Việt Nam trong thời gian qua, Luật Đấu thầu 2013 đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thủ tục, phương pháp mới trong đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), hồ sơ đề xuất (HSĐX) để lựa chọn nhà đầu tư.
IMG
Về tiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSĐX dự án PPP, Nghị định số 30/2015-NĐ-CP quy định, tiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSĐX bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, tài chính, thương mại
Ảnh: Lê Tiên
Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã tiếp tục quy định các phương pháp mới này nhằm đa dạng hóa phương pháp đánh giá để phù hợp với từng loại hợp đồng, đồng thời khắc phục tình trạng nhà đầu tư đề xuất giá thấp nhất nhưng không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án. Phương pháp đánh giá HSDT, HSĐX được thể hiện thông qua tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC). 
Trong việc lựa chọn nhà đầu tư, phương pháp đánh giá HSDT, HSĐX về mặt kỹ thuật là phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100 hoặc 1.000. Đồng thời, để đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm trong triển khai thực hiện dự án thì mức điểm yêu cầu tối thiểu để đánh giá là đáp ứng yêu cầu không thấp hơn 70% tổng số điểm về kỹ thuật. Đối với từng nội dung yêu cầu về chất lượng, khối lượng, vận hành, quản lý, kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng, môi trường và an toàn phải đáp ứng yêu cầu không thấp hơn 60% điểm tối đa của nội dung đó. Nhà đầu tư phải đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật mới được xem xét, đánh giá về tài chính - thương mại. Phương pháp đánh giá về tài chính - thương mại bao gồm: phương pháp giá dịch vụ; phương pháp vốn góp của Nhà nước; phương pháp lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước; phương pháp kết hợp.
IMG
Việc thay đổi tư duy trong xây dựng quy định tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá HSDT, HSĐX góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu hút, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, cạnh tranh
 Ảnh: Tất Tiên
Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) – khung pháp lý mới về PPP có điểm đổi mới nổi bật là chú trọng kiểm soát “đầu ra” thay cho việc quản lý chặt các yếu tố “đầu vào”. Điều này thể hiện rõ ở báo cáo nghiên cứu của dự án PPP sẽ khác với các dự án đầu tư công thông thường khi phải làm rõ các yêu cầu về chất lượng của công trình, dịch vụ sẽ được cung cấp, mà không định hướng một loại công nghệ hay một giải pháp triển khai cụ thể nào. Để thống nhất với cách tiếp cận “đầu ra” thay cho “đầu vào” của khung pháp lý mới về PPP, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định rõ HSMT, HSYC dự án PPP phải nêu tiêu chuẩn đánh giá theo yêu cầu “đầu ra”. Đây cũng là điểm khác biệt cơ bản giữa HSMT, HSYC dự án PPP (lựa chọn nhà đầu tư) với HSMT, HSYC dự án thông thường (lựa chọn nhà thầu). 
Lý giải cho nội dung này, chuyên gia của Cục Quản lý đấu thầu cho biết, trong lựa chọn nhà thầu, việc lựa chọn được thực hiện trên cơ sở thiết kế kỹ thuật có sẵn và khối lượng mời thầu được bóc tách từ thiết kế kỹ thuật có sẵn này. Còn với lựa chọn nhà đầu tư, HSMT, HSYC không chỉ định công nghệ để thực hiện, triển khai, quản lý dự án, mà chỉ nêu yêu cầu về “đầu ra” của dự án. Việc thay đổi tư duy từ “quản lý đầu ra” thay cho “quản lý đầu vào” nhằm phát huy tối đa sự năng động, sáng tạo và năng lực kỹ thuật của nhà đầu tư. 
Về tiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSĐX dự án PPP, Nghị định số 30/2015-NĐ-CP quy định, tiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSĐX bao gồm các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, tài chính, thương mại. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật bao gồm: tiêu chuẩn về khối lượng, chất lượng; tiêu chuẩn vận hành, quản lý, kinh doanh, bảo trì, bảo dưỡng; tiêu chuẩn về môi trường và an toàn. Khi lập HSMT, HSYC, căn cứ vào các tiêu chuẩn này, bên mời thầu xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chi tiết về kỹ thuật đảm bảo nhà đầu tư được lựa chọn đáp ứng yêu cầu về kết quả “đầu ra”. Các yêu cầu về tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật được xây dựng căn cứ vào yêu cầu trong báo cáo nghiên cứu khả thi, đề xuất dự án (dự án nhóm C) được phê duyệt. Đây được xem là tư duy mới trong lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP.
Các chuyên gia nhận định, có thể khi tiếp cận tư duy mới này, sẽ có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP khá phức tạp. Bên mời thầu, tư vấn phải là những “bậc thầy” trong việc quy định về yêu cầu “đầu ra” khi phải đảm bảo các yêu cầu này vừa mang tính tương đối với các công nghệ hiện có trên thị trường, vừa có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSĐX của nhà đầu tư được quy định trong Nghị định số 30/2015/NĐ-CP dường như cũng chưa được chi tiết; nhìn lại tiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSĐX trong lựa chọn nhà đầu tư quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT có phần rõ ràng hơn. Tuy nhiên, xem xét kỹ có thể thấy, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP chỉ hướng dẫn tiêu chuẩn đánh giá đối với dự án được thực hiện theo hình thức BOT, BTO, BT, quy định chi tiết tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật – tiêu chuẩn mà khi so sánh với tiêu chuẩn thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công truyền thống sẽ không có sự khác nhau. Nói một cách khác, các quy định cũ chưa có sự thay đổi về cách thức thực hiện, quản lý dự án theo hình thức “công tư”. Chính vì thế không thể quay lại vận dụng những gì đã quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP và Thông tư số 03/2011/TT-BKHĐT được.
Có thể nói, tiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSĐX tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP là quy định khung. Từ quy định khung này, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tiêu chuẩn cụ thể thực hiện dự án PPP trong từng lĩnh vực, tương ứng với với từng loại hợp đồng. Quy định này nhằm tạo điều kiện linh hoạt, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án có quy mô lớn cũng như dự án quy mô nhỏ và thuộc các lĩnh vực khác nhau, đồng thời đảm bảo sự chuyển đổi trên thực tế đối với cách tiếp cận mới về “đầu ra”. Việc thay đổi tư duy trong xây dựng quy định tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá HSDT, HSĐX cũng góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu hút, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch, cạnh tranh; xây dựng niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
 
 
 
Thu Hà
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)