• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Hình thức đầu tư PPP sẽ giúp nền kinh tế tăng sức cạnh tranh 
Sáng ngày 9/6, tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 (VBF giữa kỳ 2015) với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để hội nhập quốc tế” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC) cùng Ngân hàng Thế giới đã chính thức khai mạc.
 
IMG
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015 
Ảnh: Lê Tiên
 
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Kinh tế Việt Nam đang có thêm những yếu tố thuận lợi với kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng đang lấy lại đà vững chắc với dự báo GDP năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,2% hoặc có thể cao hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn và thách thức…”. Đồng tình với nhận định này, ông Kely F. Kelhofer, Giám đốc khu vực MeKong của IFC, đồng Chủ tịch VBF giữa kỳ 2015 nhận định: “Việt Nam đang ở bước ngoặt hội nhập quan trọng. Năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do mới. Đây chính là “cánh cửa” mở ra cơ hội đầu tư, mở ra một chương mới để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cạnh tranh hơn”.
 
Đề cập tới vấn đề năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) để hội nhập quốc tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: “Niềm tin của cộng đồng DN thời gian qua đã tăng lên với những nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách kinh tế của Chính phủ. Song, hiệu quả hoạt động của khu vực DN tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể”. Dẫn kết quả một khảo sát vừa công bố của VCCI vào tháng 4/2015, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, hiện nay, 70% DN vẫn kinh doanh trong tình trạng không có lãi mặc dù khu vực kinh tế này đã đóng góp trên 30% GDP. Trong số các DN tư nhân đang hoạt động thì số DN lớn chỉ chiếm 2%, DN vừa chiếm 2% còn lại là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức, quản trị yếu kém, công nghệ thấp… đang là thực trạng phổ biến của DN tư nhân trong nước.
 
Đồng tình với quan điểm trên, bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội DN Hoa Kỳ tại Việt Nam nhìn nhận: “Năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng cho các nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”. Thẳng thắn hơn, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam bày tỏ quan ngại: “Tốc độ tái cấu trúc DN nhà nước của Việt Nam còn chậm, tỷ lệ hiệu quả sử dụng vốn thấp”.
 
IMGÔng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ:
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong công tác huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy kinh tế đi lên. Đặc biệt, Nghị định PPP được ban hành tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy DN của Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. 
Về vấn đề bảo đảm năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng, tôi khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu điện từ nay đến năm 2020 hay năm 2030 và dài hơn nữa. Đi liền với việc bảo đảm đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, Chính phủ Việt Nam sẽ đẩy mạnh chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao chất lượng điện và thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường để các nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào lĩnh vực này.
IMGÔng Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 
VBF giữa kỳ 2015 đã tập trung đối thoại về một chủ đề “nóng” của nền kinh tế là “nâng cao năng lực cạnh tranh của DN để hội nhập quốc tế”. Đây không chỉ là vấn đề quan tâm với riêng Việt Nam, mà với cả khu vực và thế giới. Để nền kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu vững chắc hơn trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự ủng hộ rất quan trọng của cộng đồng DN, các tổ chức quốc tế…
IMGBà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: 
Trong 5 tháng đầu năm 2015, kinh tế Việt Nam đã có nhiều tiến bộ,  tuy nhiên kết quả đạt được chưa thực sự bền vững. Trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân trong việc tạo sân chơi bình đẳng cho DN. Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung phát triển các DN nhỏ và vừa cũng như DN siêu nhỏ… nhằm tối đa hóa các lợi ích từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Chính phủ đã, đang và sẽ ký kết.
 
PPP sẽ giúp nền kinh tế tăng cường tính cạnh tranh
Liên quan đến vấn đề phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho nền kinh tế, thảo luận tại Diễn đàn, một số ý kiến của cộng đồng DN cho rằng: “Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định PPP) của Chính phủ được ban hành trong quý I/2015 là một bước tiến “tuyệt vời” của Chính phủ trong nỗ lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam rất cần thêm những nỗ lực khác để đảm bảo cho các dự án PPP phát triển tốt”.
Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF đánh giá, kết cấu hạ tầng tốt của Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế. Chi ngân sách cho các công trình kết cấu hạ tầng của Việt Nam tăng mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nhiều khảo sát cũng cho thấy, nhu cầu chi ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này vẫn rất cao trong những năm tới để Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Mặc dù vậy, nguồn lực của Chính phủ có hạn, vì thế Nghị định PPP được ban hành sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thông tin thêm, việc ban hành Nghị định PPP là một trong những định hướng đổi mới chính sách đầu tư công ở Việt Nam. Để khuyến khích nguồn lực đầu tư tư nhân theo hình thức PPP, trước đây Việt Nam đã triển khai các dự án điện, giao thông vận tải theo hình thức này với dạng hợp đồng BOT. Song, do khung khổ pháp lý về PPP chưa hoàn thiện nên đã tạo ra những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Đến nay, Nghị định PPP được ban hành trên cơ sở thống nhất những quy định trong Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 108/2009/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT đã tạo thêm điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư tư tư nhân.
Trước cộng đồng doanh nghiệp tại VBF giữa kỳ 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, so với các chính sách về PPP của nhiều quốc gia trên thế giới, danh mục các lĩnh vực đầu tư có thể áp dụng PPP của Việt Nam mở rộng ở các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, cung cấp nước sạch và xử lý chất thải, nông nghiệp… 
 
IMG
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2015, một số ý kiến cho rằng, Nghị định về đầu tư
theo hình thức đối tác công tư là một bước tiến “tuyệt vời” của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực phát triển kinh tế
Ảnh: LTT
Giải đáp băn khoăn của ông Tony Foster, đại diện Nhóm công tác cơ sở hạ tầng của VBF về vấn đề bảo đảm khả năng chuyển đổi và chuyển ngoại tệ theo nhu cầu của nhà đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Nghị định PPP là Nghị định khung quy định các điều khoản về đầu tư theo hình thức PPP. Nghị định quy định rõ, Chính phủ giao cho bộ chuyên ngành có liên quan xây dựng hướng dẫn thực hiện theo  hình thức đầu tư PPP thuộc lĩnh vực riêng như: giao thông vận tải, điện, nông nghiệp… Còn đối với vấn đề bảo lãnh tỷ giá như các nhà đầu tư quan tâm, Chính phủ Việt Nam khẳng định quyền mua ngoại tệ của nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối, nhưng Chính phủ không bảo lãnh về tỷ giá”.
 
 
Trung Hiếu
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
 

 

 

[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)