• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Tiến tới thống nhất trong quản lý nhà nước về các hoạt động đầu tư 
Tới đây, không chỉ các dự án đầu tư công, mà cả các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư ra nước ngoài... cũng sẽ được quản lý và giám sát chặt chẽ với mục tiêu tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước về các hoạt động đầu tư của toàn xã hội.

Dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư (thay thế Nghị định số 113/2009/NĐ-CP) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện. Một trong những điểm mới quan trọng của Dự thảo là đối tượng điều chỉnh sẽ không chỉ là các dự án sử dụng vốn nhà nước, mà còn là các dự án PPP, các dự án FDI, dự án đầu tư ra nước ngoài, cũng như các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công.
 
Bộ KH&ĐT cho biết, Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư sẽ bao quát, quy định phải cung cấp đầy đủ các thông tin về quá trình đầu tư từ khâu ban hành cơ chế chính sách, quy hoạch, chủ trương, thực hiện chương trình, dự án cụ thể, đến khâu vận hành khai thác dự án.
IMG
Tất cả các dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư đều sẽ được quản lý, giám sát chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư  
Ảnh: Nhã Chi
Việc xây dựng Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư, theo lý giải của Bộ KH&ĐT, có một phần lý do là do Nghị định số 113/2009/NĐ-CP hiện mới chỉ quy định giám sát và đánh giá đầu tư đối với 2 loại dự án, là dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên và các dự án khác, trong khi theo ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ KH&ĐT, trên thực tế có rất nhiều dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác cũng cần được giám sát và đánh giá đầy đủ. Điều này là cần thiết để đảm bảo tất cả các dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư đều được quản lý, giám sát chặt chẽ, từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư.
 
Một trong những nội dung đổi mới quan trọng trong Dự thảo Nghị định là các quy định liên quan đến giám sát dự án đầu tư theo hình thức PPP. Việc giám sát, kiểm tra các dự án PPP sẽ được thực thi ngay từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án. Các cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư dự án; nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án; người có thẩm quyền quyết định đầu tư; cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công sẽ cùng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án được đầu tư theo hình thức này.
 
Hiện nay, hoạt động giám sát, quản lý chất lượng công trình, dự án PPP nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên trong hợp đồng được quy định khá chặt chẽ trong Nghị định số 15/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP (Nghị định PPP). Nghị định PPP đã đưa ra các quy định về giám sát, quản lý chất lượng công trình theo hướng đề cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án. 
 
Nếu như trước đây, việc giám sát thực hiện dự án chỉ thể hiện trong “giám sát, quản lý xây dựng công trình dự án” thì tại Nghị định PPP, việc giám sát được tách bạch rõ ràng thành 2 giai đoạn là “giám sát thực hiện hợp đồng dự án” của nhà đầu tư và “giám sát chất lượng công trình dự án” có chuyển giao cho Nhà nước sau khi hoàn thành. Việc phân chia này rõ ràng hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giám sát thực hiện dự án.
 
Theo đó, đối với giám sát chất lượng công trình dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra việc giám sát quá trình thi công xây dựng công trình theo yêu cầu tại hợp đồng dự án; kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý vận hành công trình theo hợp đồng dự án; tổ chức kiểm định chất lượng bộ phận công trình, hạng mục công trình và toàn bộ công trình xây dựng khi có nghi ngờ về chất lượng hoặc khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu; đề nghị nhà đầu tư yêu cầu nhà thầu điều chỉnh hoặc đình chỉ thi công khi xét thấy chất lượng công việc thực hiện không đảm bảo yêu cầu. 
 
Cùng với các quy định tại Nghị định PPP, Dự thảo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư bổ sung các quy định về giám sát đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vừa thực hiện chức năng là một bên đối tác trong hợp đồng, vừa là cơ quan chức năng quản lý nhà nước đảm bảo công trình, dịch vụ được cung cấp có chất lượng tới người dân.
 
Không dừng lại ở giám sát và đánh giá đầu tư các dự án PPP, Dự thảo Nghị định cũng quy định việc kiểm tra, giám sát đối với các dự án FDI. Việc kiểm tra, giám sát sẽ không chỉ là các thủ tục trong cấp Giấy chứng nhận đầu tư, mà còn là tiến độ góp vốn, tình hình triển khai, việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định; tình hình thực hiện các ưu đãi đầu tư, các điều kiện kinh doanh...
 
Các dự án đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là dự án có sử dụng vốn nhà nước, cũng sẽ được quản chặt và phải báo cáo thường xuyên, theo tháng, theo quý với cơ quan quản lý. Không chỉ giám sát tiến độ thực hiện dự án, các vấn đề liên quan đến chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, việc huy động và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài (nếu có); tình hình khai thác, vận hành dự án, giữ lại lợi nhuận để đầu tư dự án mới, chuyển lợi nhuận về nước... cũng được yêu cầu phải báo cáo và giám sát đầy đủ.
 
 
 
Q.M
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)