• Theo bạn thông tin nội dung website thế nào   Phong phú đa dạng
      Dễ sử dụng
      Hữu ích
  • SỐ LƯỢT TRUY CẬP
    TRUY CẬP TRONG NGÀY
 Bản in     Gởi bài viết  
Rất nhiều doanh nghiệp chưa biết cơ hội và thách thức khi AEC ra đời 

Nhiều doanh nghiệp (DN) lớn từ các nước phát triển hơn trong ASEAN hay các nước mà Việt Nam đang tiến hành đàm phán ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang có các động thái chuẩn bị rất tích cực đã sẵn sàng hội nhập. Tuy nhiên, dường như đến nay, nhận thức của rất nhiều DN Việt Nam về những cơ hội và thách thức khi hội nhập vẫn còn hạn chế.

IMG
Khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á cho thấy, hiện chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan và Malaysia là 60%
 Ảnh: Lê Tiên
Theo lộ trình, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm nay, khi đó tất cả các lĩnh vực kinh tế trong các nước nội khối sẽ được mở cửa để tiếp nhận đầu tư, các DN của một nước thành viên hoạt động ở các nước AEC khác sẽ được đối xử bình đẳng như các DN của nước sở tại. Đây được xem là thách thức đối với các DN Việt Nam khi thị trường nội địa vốn đang bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh của các DN có ưu thế trên thị trường lại càng nhỏ hơn khi AEC chính thức ra đời. 
 
Ngày 5/5 vừa qua, đại diện Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Theo cam kết VKFTA, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường. Đây được xem là lợi thế cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội từ VKFTA, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra không ít thách thức, đó là việc cắt giảm thuế quan sẽ tạo thêm sức ép cạnh tranh đối với các DN trong nước. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhìn nhận, sức ép cạnh tranh sẽ là động lực thúc đẩy DN Việt Nam vươn lên ứng phó với thách thức – yếu tố quan trọng giúp cho sản xuất trong nước phát triển. 
 
Việc tham gia AEC không chỉ thúc đẩy DN trong nước, mà còn mang đến cơ hội cho cả các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động tại Việt Nam. Cuối năm 2014, trong buổi Đối thoại chính sách giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định: “AEC có không gian kinh tế 600 triệu dân với GDP hơn 3.000 tỷ USD/năm. Vì thế, các hoạt động lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động kỹ năng của các DN Việt Nam sẽ không còn giới hạn trong vùng địa lý của Việt Nam. Kể cả hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ thay đổi lớn khi AEC có cơ chế ưu đãi tốt nhất dành cho các DN nội khối. Như vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ rất thuận lợi khi sử dụng tên tuổi là nhà đầu tư Việt Nam tham gia đầu tư vào các nước ASEAN”.
IMG
Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam được dự đoán sẽ tăng cả về số lượng cũng như chất lượng
Ảnh: LTT
Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT, khi AEC ra đời, dòng FDI chảy vào Việt Nam được dự đoán sẽ mạnh mẽ hơn cả về số lượng cũng như chất lượng. Bên cạnh đó, việc gia nhập AEC cũng sẽ thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam vào các thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia... 
 
Song, tính tới thời điểm này, một khảo sát của Diễn đàn Mạng lưới ASEAN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy, có đến 80% DN Việt Nam không biết về các thách thức cũng như cơ hội của AEC. Và kết quả khảo sát đánh giá: “Dường như DN Việt Nam đang bỏ lỡ nhiều cơ hội?”.
 
Một quan ngại được dấy lên gần đây là có một số nhà đầu tư ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam đang đắn đo, lưỡng lự khi nói về chiến lược dài hơi tại Việt Nam. Lý do là sau nhiều năm, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành ô tô, vẫn mãi “dậm chân tại chỗ”. Liên quan đến vấn đề này, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trong cuộc họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2015 vừa qua cũng dẫn chứng: “Khảo sát của ADB cho thấy, hiện chỉ có 36% DN Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới sản xuất định hướng xuất khẩu, trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan và Malaysia là 60%”. 
 
Vậy giải pháp nào để DN Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh và chuẩn bị tốt nhất để đón đầu cơ hội từ các FTA mới? Đa số các chuyên gia kinh tế có chung quan điểm cho rằng, không có cách nào khác là các DN Việt phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh để vượt qua các thách thức rất lớn đang ở phía trước.
 
 
T.Hiếu
Nguồn: muasamcong.vn
Người đăng: T.An
[Trở về]

Thiết kế bởi Viện Công Nghệ Viễn Thông
(http://www.vnitt.ac.vn)